Thị trường game với giá trị lên đến 600 triệu đô. “Mục tiêu doanh thu ngành game sẽ tăng lên 1 tỷ đô so với mức 600 triệu đô hiện tại. Song song, cần tăng mạnh về số lượng doanh nghiệp game, từ 30 lên 100 thậm chí là 150 doanh nghiệp”, ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử chia sẻ tại diễn đàn game Việt Nam 2023 lần đầu tiên được tổ chức.
Theo ông Lê Quang Tự Do, game là ngành có tính quốc tế vì thế các doanh nghiệp không chỉ hoạt động trong Việt Nam mà còn vươn ra thế giới. Nước ta đang có lợi thế, khi các nước lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Lý do là nhờ nhân lực làm game của chúng ta có năng lực tốt, chuyên môn lập trình tốt, chăm chỉ, siêng năng chịu khó. Một lập trình viên Việt Nam thậm chí có thể tự làm sản phẩm từ A đến Z. Vì vậy, các startup game ở VN rất thuận lợi để phát triển, chỉ cần một nhóm 2-3 người, có ý tưởng và kết nối được sự đầu tư là có thể phát triển được một game. Thực tế có nhiều game như vậy đã thành công.
“Hạn chế lớn nhất là chúng ta chưa đi cùng nhau ”
Tuy nhiên, thị trường đang tồn tại rất nhiều hạn chế. Và “ Hạn chế lớn nhất là chúng ta chưa đi cùng nhau ” , ông Do nhấn mạnh. Trong 10 năm qua, ngành game chúng ta chọn cách đi một mình để đi nhanh nên chỉ có một vài doanh nghiệp phát triển còn cộng đồng game thì không. Vì không đi cùng nhau nên ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, Bộ đang cấp phép khoảng 200 doanh nghiệp game nhưng hiện tại thực sự hoạt động chỉ còn khoảng 30 đơn vị, và 30 đơn vị đó nếu không có những sự hỗ trợ để vực dậy thì ngày càng chết đi.
Thứ hai là vì không đi cùng nhau nên không tận dụng được lợi thế của nhau. Các bên giỏi viết game, làm game thì không có kinh nghiệm phát hành nên tiếp cận người dùng ít. Còn các bên làm phát hành rất tốt thì cũng khao khát để tìm ra những game Việt chất lượng để nâng tầm sản phẩm nội địa thì lại không tìm được. Vì vậy dẫn đến thực trạng là người Việt Nam hầu hết chơi game nước ngoài, còn doanh nghiệp Việt sản xuất game lại không phải cho người chơi trong nước mà cho nước ngoài.
“Thực sự chúng tôi không ngại cạnh tranh mà chúng tôi cần được cạnh tranh công bằng”
Dưới góc nhìn người trong cuộc, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của CTCP VNG, khẳng định: “Theo tôi, doanh nghiệp trong nước thực sự không ngại cạnh tranh. Chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực và tiềm lực, kỹ năng cũng như nguồn nhân lực để cạnh tranh sòng phẳng vs các đối thủ nước ngoài”.
Song, cái khó là sự bất bình đẳng. Một doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam không chịu sự quản lý, kiểm duyệt về mặt nội dung, không đóng thuế, không làm bất cứ nghĩa vụ nào với nước ta. Trong khi các doanh nghiệp trong nước đang thực hiện đầy đủ. Đây là sự bất bình đẳng.
“Thực sự chúng tôi không ngại cạnh tranh mà chúng tôi cần được cạnh tranh công bằng”, đại diện VNG nhấn mạnh.
Theo ông Thắng, nếu nói là chúng ta chưa có trình độ để làm game lớn thì không đúng, mà là chúng ta chưa tìm được nhau để tận dụng, huy sức mạnh của nhau. Vì vậy cần tập hợp để các doanh nghiệp gặp nhau, tạo thành một bức tranh chung, tạo nên những điều lớn lao hơn cho ngành game.
Cũng theo VNG, đánh giá với những tiềm năng đáng kể về kinh tế và xã hội, ngành game được xác định là mũi nhọn được ưu tiên chú trọng của rất nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển, đặc biệt là sau đại dịch vừa qua khi rất nhiều ngành nghề truyền thống bị ảnh hưởng.
“Malaysia, Indonesia và Singapore đều có ba yếu tố dẫn đến sự thành công của ngành game là sự hỗ trợ từ Chính phủ, sự hợp tác mạnh mẽ của Hiệp hội ngành game và sự sôi nổi của cộng đồng lập trình game. Tôi hi vọng chúng ta cũng sẽ sớm có được những cú hích tương tự để tạo thị trưởng cởi mở và thuận lợi cho các doanh nghiệp game phát huy sự sáng tạo” , ông Thắng nói.
Ngành game Việt Nam hướng đến mốc tỷ USD
Báo cáo của Newzoo cho thấy, tính đến tháng 11/2022, quy mô ngành game toàn cầu đã đạt 184,4 tỷ USD, trong đó doanh thu của riêng ngành game di động ước tính đạt 92,2 tỷ USD. Newzoo dự đoán thị trường game thế giới sẽ đạt 211,2 tỷ USD vào năm 2024. Mức tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2020 – 2025 đạt 3,4%. Đây là tín hiệu rất tích cực cho thấy ngành game thế giới đang phát triển ổn định và đem lại giá trị kinh tế cao.
Trong đó, Việt Nam là nước đứng thứ ba về số lượng người chơi game di động, 54,6 triệu. Nhưng, doanh thu vẫn còn khá khiêm tốn nếu so về tương quan số người chơi với 507 triệu USD.
Còn theo bảng xếp hạng của App Annie 2020, Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới, thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng game download (tải về). Ngoài ra, Việt Nam cũng xếp thứ 3 trong top 10 các nhà sản xuất ứng dụng game của khu vực; cứ 25 games được download, có 1 game sản xuất tại studio Việt Nam.
Doanh thu ngành game trong nước những năm qua cũng có sự tăng trưởng dương. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu ngành game năm 2021 đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng, dự kiến đạt hơn 10.000 tỷ đồng vào năm 2022.
"Rõ ràng, trò chơi điện tử nói riêng và kinh tế số nói chung đang mang lại những giá trị to lớn không thể phủ nhận. Ngành game hiện nay đang có điều kiện cần là sự sẵn sàng của hạ tầng, nhu cầu người dùng, sự đầu tư của các doanh nghiệp thì những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi từ Chính phủ sẽ là điều kiện đủ để ngành này bứt phá, đem lại những giá trị kinh tế rất lớn cho đất nước", đại diện VNG cho biết.
Được biết, VNG hiện là một trong số doanh nghiệp sản xuất game lớn tại Việt Nam. Xuất phát điểm với tựa game “huyền thoại” Võ lâm truyền kỳ, đến nay mảng game của VNG đã ghi dấu ấn không chỉ tại Việt Nam mà còn trong khu vực, trở thành đối tác với các “ông lớn” như Riot Games, Kingsoft, Tencent Games.
Hiện, VNG đang có 7 studio game tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM và các studio game trong khu vực như Bangkok, Bắc Kinh, Jakarta, Manila, Kuala Lumpur. Tháng 4/2023, VNG cho biết sẽ đưa vào hoạt động studio game tại Đài Bắc, góp phần thực hiện mục tiêu đưa ngành game Việt vươn tầm quốc tế.
“Ngoài mục tiêu không làm suy giảm doanh thu thị trư ờng nước nhà, VNG đặt mục tiêu
rất thách thức là tăng trưởng cả doanh thu từ các thị trường nước ngoài. Điều những doanh nghiệp game trong nước mong muốn nhất chính là làm sao thay đổi được góc nhìn của xã hội về ngành game, về giá trị vốn có, những cống hiến, những thành quả mà ngành Game đã và đang mang lại cho nền kinh tế, văn hóa và của Việt Nam ”, ông Thắng chia sẻ thêm.
Tri Túc
Nhịp sống thị trường