CTCP Tập đoàn PAN (mã: PAN) vừa công bố BCTC quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 3.378 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí vốn, lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 690 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ; biên lãi gộp đi ngang đạt mức 20%.
Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính giảm nhẹ 3% xuống còn 121 tỷ đồng; tương tự chi phí tài chính cũng được tiết giảm 18% còn 111 tỷ đồng. Khoản lãi từ công ty liên kết tăng nhẹ vài trăm triệu đồng so với quý 2/2023 đem lại gần 3 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản chi phí khác, lợi nhuận trước thuế của PAN đạt gần 256 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm, PAN ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 6.840 tỷ và 456 tỷ đồng; tương ứng tăng 29% và 45% so với thực hiện cùng kỳ. Như vậy, PAN đã thực hiện được 46% kế hoạch doanh thu năm. Các chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt đạt 43%, 42% và 39% chỉ tiêu năm 2024.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của PAN đạt 23.364 tỷ đồng, tăng tới 16% so với hồi đầu năm. Trong đó, khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ghi nhận giá trị 1.614 tỷ đồng, chiếm 7% tổng tài sản; đáng chú ý, chứng khoán kinh doanh có giá trị hơn 10.576 tỷ đồng, tăng 3.900 tỷ đồng so với đầu năm, khoản mục này chiếm tới hơn 45% tổng tài sản. Song, công ty không thuyết minh cụ thể các khoản đầu tư.
Phía bên kia bảng cân đối kế toán tại ngày 30/6/2024, nợ phải trả của PAN đạt 14.218 tỷ đồng, tăng 3.350 tỷ đồng so với hồi đầu năm; chủ yếu do nợ vay ngắn hạn tăng mạnh gần 4.000 tỷ đồng đạt mức 12.377 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng vay nợ dài hạn 406 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 8.369 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối ghi nhận gần 1.400 tỷ đồng.
Doanh thu lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng vượt trội
Trong thông báo về kết quả kinh doanh quý 2/2024 ngày 25/7, Tập đoàn PAN cho biết doanh thu trong lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 26% so với cùng kỳ trong khi lĩnh vực thủy sản và thực phẩm đóng gói tăng trưởng lần lượt 20% và 14%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi này đều đạt mức tăng trưởng hai con số, dao động 28% - 30%.
Động lực của lĩnh vực thủy sản đến từ sự phục hồi đơn hàng xuất khẩu cùng với tình hình lạm phát và sức mua được cải thiện tại các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu.
Trong khi đó, tăng trưởng doanh thu nông nghiệp tiếp tục đến từ CTCP Khử trùng Việt Nam VFC (HSX: VFG) với việc tiếp tục chiếm lĩnh thị phần thuốc bảo vệ thực vật từ các đối thủ cạnh tranh. 6 tháng đầu năm 2023, đối tác Syngenta tiếp tục hợp tác với VFC ở các sản phẩm mới, qua đó công ty ngày càng mở rộng được bộ sản phẩm và năng lực canh tranh trên thị trường.
"Ở lĩnh vực thực phẩm đóng gói, Bibica (HSX: BBC) đẩy mạnh kênh xuất khẩu và đây là yếu tố đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh, khi doanh số xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ", PAN cho hay.
Kỳ vọng thủy sản bứt phá trong mùa cao điểm quý 3, 4 sắp tới
Trong nửa cuối năm 2024, Tập đoàn nhận định rằng thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục phục hồi, không chỉ ở đơn hàng mà cải thiện về giá, đi kèm với việc thu hoạch vụ tôm tự nuôi trong quý 3, Tập đoàn kỳ vọng lĩnh vực thủy sản sẽ có nhiều thuận lợi và bứt phá trong mùa cao điểm quý 3 và đặc biệt quý 4 năm 2024.
Theo PAN, lĩnh vực thực phẩm đóng gói, cụ thể là mảng bánh kẹo sẽ tiếp tục đẩy mạnh được xuất khẩu sau các hợp đồng ban đầu với khách hàng Hàn quốc, Nhật Bản và Trung quốc. Các sản phẩm mới tung ra thị trường sẽ có đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh cho giai đoạn tiếp theo, qua đó hoàn toàn có khả năng vượt kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Doanh nghiệp này cũng kỳ vọng lĩnh vực Nông nghiệp bao gồm cả mảng thuốc bảo vệ thực vật và mảng giống cây trồng tận dụng tốt được vị thế thị trường và mùa vụ kinh doanh lớn trong quý 3, 4 để duy trì và đạt kết quả tăng trưởng cao như trong nửa đầu năm (VFC).
Dương Ngọc
An ninh tiền tệ