Công ty cổ phần VNG vừa công bố báo cáo tài chính quý 2, cho 3 tháng kết thúc ngày 30/6/2021.
Doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.019 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 1.048 tỷ đồng, tăng 42%.
Lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 248 tỷ đồng và lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 339 tỷ đồng, tăng lần lượt 39% và 52% so với quý 2/2020. Lợi nhuận ròng theo quý của VNG đạt mức cao nhất kể từ quý 1/2017.
Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 92 tỷ đồng, con số này ước tính số lỗ của CTCP Zion, đơn vị chủ quản ví điện tử Zalo Pay khoảng 230 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, VNG đạt tổng doanh thu 3.508 tỷ đồng, tăng 23%. Lợi nhuận sau thuế 221 tỷ đồng, giảm 17%. Nhưng lợi nhuận ròng đạt 438 tỷ đồng, tăng 19%.
Kết quả này sáng sủa hơn nhiều so với kế hoạch kinh doanh mà đại hội đồng cổ đông VNG đã thông qua hồi cuối tháng 6. Theo đó, năm 2021 VNG đặt mục tiêu doanh thu 7.609 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ âm 619 tỷ đồng.
Năm 2020 VNG cũng đặt kế hoạch lỗ nhưng thực tế lãi tương đối ấn tượng.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của VNG ghi nhận mức gần 8.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn 4.945 tỷ đồng, chiếm 59% cơ cấu. Vốn chủ sở hữu của công ty 6.313 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 6.656 tỷ đồng.
Đáng chú ý lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty tiếp tục tăng hơn 400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm lên 4.945 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý 2,
Trong nửa cuối năm 2021, VNG sẽ thực hiện việc bán ra hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho các nhà đầu tư trong nước. Đây là lượng cổ phiếu quỹ được công ty mua vào cách đây 10 năm. Đặc biệt, cổ đông ngoại Tencent vẫn đang sở hữu quyền mua 1,033 triệu cổ phiếu phổ thông của VNG (tương ứng 2,88% vốn cổ phần) cho đến hết năm 2021.
Đông A