CTCP VNG vừa thông báo hoàn tất bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ với giá 1.861.800 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng) - cao hơn 75% so với mức giá tối thiểu 1.061.000 đồng mà Đại hội đồng cổ đông của công ty đã thông qua.
Bên mua vào là Seletar Investments - đơn vị trực thuộc Tập đoàn đầu tư Temasek của chính phủ Singapore. Sau giao dịch, Seletar nắm giữ 1,74 triệu cổ phiếu, tương đương 5,04% vốn điều lệ và 6,35% lượng cổ phiếu đang lưu hành của VNG.
Một đơn vị đầu tư khác liên quan đến Temasek là Gamvest Pte. Ltd cũng đang nắm giữ 10,25% lượng cổ phiếu đang lưu hành của VNG.
Được biết số tiền thu được từ đợt chào bán này - đạt 662 tỷ đồng - sẽ được sử dụng để mở rộng sự hiện diện của VNG tại thị trường trong và ngoài nước cũng như phục vụ một số khoản đầu tư trong tương lai.
Sau đợt bán cổ phiếu quỹ lần này, VNG vẫn còn nắm giữ hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ trên tổng lượng cổ phiếu đã phát hành là 34,54 triệu cổ phiếu.
Với 27,43 triệu cổ phiếu đang lưu hành nhân với mức giá mà Temasek vừa mua thì vốn hóa của VNG hiện lên đến 51.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD) - cao gần gấp đôi so với vốn hóa của công ty công nghệ lớn nhất trên sàn là FPT, đạt 27.600 tỷ đồng.
Tháng 3/2017, VNG đã ký một Biên bản ghi nhớ (MoU) để niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ. Tuy nhiên sau gần 2 năm vẫn chưa có thông báo gì mới từ phía công ty.
VNG xuất thân là một công ty chuyên phát hành game online và hiện đây vẫn là nguồn thu chính của doanh nghiệp này. Những năm gần đây, VNG đã đầu tư sang nhiều mảng kinh doanh mới như ứng dụng Zalo, thanh toán, thương mại điện tử, quảng cáo...
Năm 2018, VNG đạt 4.300 tỷ đồng doanh thu, tương đương với năm 2017. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế giảm sâu từ 1.158 tỷ xuống 441 tỷ đồng nguyên nhân chủ yếu là do công ty chi rất mạnh cho hoạt động bán hàng.
Đáng chú ý là công ty bắt đầu lỗ 48 tỷ đồng từ quý 4/2018 sau một thời gian dài liên tục đạt lợi nhuận vài trăm tỷ đồng mỗi quý.
Kinh Kha