MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

THÔNG TIN CÔNG TY

Chủ nhật, 10/12/2023, 11:13
HVN

 Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HOSE)

Giá hiện tại: HVN 17.25 -0.05(-0.29%) Biểu đồ GTGD và KLGD trong 1 tháng Thông tin tài chính Hồ sơ công ty GDCĐ lớn & CĐ nội bộ Facebook message
Vietnam Airlines đã bán bớt tàu bay, thanh lý khoản đầu tư vào hãng hàng không nước ngoài thu về gần 1.000 tỷ góp phần giải quyết khó khăn
Vietnam Airlines đã bán bớt tàu bay, thanh lý khoản đầu tư vào hãng hàng không nước ngoài thu về gần 1.000 tỷ góp phần giải quyết khó khăn

Theo kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.

Mới đây, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN) đã công bố báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán bởi Deloitte.

Trong phần ý kiến, kiểm toán lưu ý người đọc về hai vấn đề: Một là tại ngày 31/12/2022, nợ ngắn hạn của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 39.470 tỷ đồng. Hai là vốn chủ sở hữu âm 11.056 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn của Tổng Công ty là 15.396 tỷ đồng.

Theo kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.

"Những điều kiện này, cho thấy sự tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty", báo cáo kiểm toán của Deloitte cho biết.

Cũng theo BCTC kiểm toán, năm 2022 Vietnam Airlines có doanh thu hợp nhất đạt hơn 70.792 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra và gấp 2,5 lần kết quả năm 2021.

Sau thuế, lỗ hợp nhất năm 2022 của HVN là 11.223 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 2.056 tỷ đồng so với năm 2021. Các khoản lỗ từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 khiến hãng lỗ lũy kế hơn 35.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 11.056 tỷ đồng.

Trong tình thế khó khăn, không chỉ liên quan đến việc chứng khoán có thể bị hủy niêm yết mà còn liên quan đến khả năng hoạt động liên tục của hãng hàng không quốc gia, các giải pháp đã và đang được HĐQT và Ban lãnh đạo Vietnam Airlines triển khai bao gồm:

Về nguồn vốn hoạt động: Theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ, Tổng Công ty đã hoàn thành việc phát hành 796.103.327 cổ phiếu trong năm 2021 với số tiền thu được từ vốn điều lệ tăng thêm là 7.961 tỷ đồng. 

Vietnam Airlines cũng đã ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng TM trong nước và đã được giải ngân toàn bộ với tổng hạn mức tín dụng là 4.000 tỷ đồng, thời hạn trả nợ có thể kéo dài đến năm 2024.

Ngoài ra, Vietnam Airlines đã và đang đàm phán với các ngân hàng thường mại để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại ngày 31/12/2022, tổng hạn mức tín dụng mà HVN đã ký với các ngân hàng là khoảng 20.267 tỷ đồng, trong đó hạn mức tín dụng của các khoản vay ngắn hạn chưa sử dụng là khoảng 8.097 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cũng khai thác các nguồn thu khác bao gồm thanh lý tàu bay, động cơ tàu bay và các khoản đầu tư tài chính. HVN đã thực hiện bán 1 tàu bay, bán quyền mua và thuê lại 3 động cơ tàu bay, thanh lý khoản đầu tư vào hãng hàng không Cambodia Angkor Air và đã thu được một phần giá trị hợp đồng với số tiền khoảng 942 tỷ đồng. 

HVN cho biết đang tiếp tục thực hiện kế hoạch bán các tàu bay còn lại theo kế hoạch.

Vietnam Airlines đã bán bớt tàu bay, thanh lý khoản đầu tư vào hãng hàng không nước ngoài thu về gần 1.000 tỷ góp phần giải quyết khó khăn (1)

Hình ảnh minh họa

Về quản lý nguồn vốn lưu động: Trong năm, các ngân hàng đã đồng ý tiếp tục cấp hạn mức tín dụng cho các khoản vay ngắn hạn mà Vietnam Airlines đã thanh toán đúng hạn và đáp ứng các điều kiện và quy định của Ngân hàng Nhà nước. 

Vietnam Airlines tin tưởng sẽ tiếp tục duy trì được các hạn mức vay ngắn hạn hiện tại trong năm tiếp theo cũng như đảm bảo thanh toán các khoản gốc vay đến hạn.

Đối với các khoản vay dài hạn và nợ thuê tài chính, HVN cũng đã đàm phán thành công với các chủ nợ để cơ cấu lại lịch thanh toán các khoản vay dài hạn và nợ thuê tài chính đến hạn trả.

Vietnam Airlines đã và đang tiếp tục đàm phán giảm giá, hoãn tiến độ thanh toán với các đối tác, trong đó nhiều đối tác đã đồng ý giảm giá (đối với chi phí thuế tàu bay và bảo dưỡng...) hoặc giãn hoãn lịch thanh toán (đối với chi phí thuê tàu bay, quản lý bay, các dịch vụ chuyến bay...).

Vietnam Airlines đã thỏa thuận với các đối tác để hủy (không nhận) 4 tàu bay dòng B787-10 và A320, ngoài ra 5 tàu bay dòng B787-10 và A320 NEO còn lại đã và đang được đàm phán để nhận vào năm 2024 thay vì nhận trong năm 2020, 2021 theo thỏa thuận ban đầu.

Vietnam Airlines cũng đã và đang đàm phán với một số nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa máy bay để bù trừ khoản quỹ đại tu đã thanh toán cho nhà cung cấp còn dư chưa sử dụng với khoản phải trả các nhà cung cấp này và thay thế biện pháp bảo đảm bằng L/C, qua đó, giảm khoản thanh toán bằng tiền cần huy động thêm cho nhà cung cấp khi đến hạn. Tổng số tiền đã được thanh toán bù trừ và mở LC thay thế vào khoảng 3.768 tỷ đồng.

Mặt khác, Vietnam Airlines cũng đang tìm kiếm các nguồn tài chính để thanh toán các khoản nợ quá hạn nhà cung cấp với số tiền 15.396 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022. HVN cũng đang tiếp tục đàm phán và kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác trong việc giảm và giãn hoãn thời hạn thanh toán đối với các khoản nợ quá hạn.

Về quản lý hoạt động: Vietnam Airlines đã điều chỉnh kế hoạch sử dụng đội tàu bay, lịch bay, các chặng bay phù hợp với nhu cầu thị trường, giai đoạn cao điểm và nhu cầu du lịch, đi lại hậu COVID-19 nhằm tối ưu hóa chi phí hoạt động và đội tàu bay, tiếp tục duy trì thị phần vận tải hành khách nội địa. 

Vietnam Airlines cũng tập trung quản lý và tập trung phát triển dịch vụ và khách hàng trong các chặng bay có doanh thu và lợi nhuận cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản và cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Đối với các chặng bay quốc tế, HVN tiếp tục theo dõi chặt chẽ các chính sách kiểm soát dịch và du lịch của các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, nhằm khôi phục việc đặt chỗ và thực hiện bay sớm nhất. Trong năm 2022, khoảng 44/52 đường bay quốc tế đã được TCT khai thác trở lại.

Ngoài ra, HVN tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa nhằm tận dụng hiệu quả năng lực đội bay, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và dòng tiền hoạt động.

Đối với chi phí hoạt động, Vietnam Airlines tiếp tục thực hành chính sách tối ưu hóa chi phí, tập trung vào các chi phí gián tiếp như chi phí quản lý chung, chi phí quảng cáo, tiếp thị, xúc tiến thương mại, chi phí bán hàng.

Ngoài ra HVN cũng liên tục xem xét để tối ưu quy trình dịch vụ mặt đất, dịch vụ phục vụ trên chuyến bay cũng như việc sửa chữa, bảo dưỡng động cơ và máy bay, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Vietnam Airlines đã bán bớt tàu bay, thanh lý khoản đầu tư vào hãng hàng không nước ngoài thu về gần 1.000 tỷ góp phần giải quyết khó khăn (2)

Hình ảnh minh họa

Về đề án tái cơ cấu lại Tổng công ty: Vietnam Airlines đã hoàn thành đề án tái cơ cấu lại TCT giai đoạn 2021-2025 và báo cáo Đại hội CĐ thường niên năm 2022, đồng thời trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Trong đó, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ 3 giải pháp để khắc phục tình trạng tài chính hiện tại bao gồm:

- Cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh vận tải hàng không, trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi, nhanh chóng phục hồi và sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất.

- Tái cơ cấu tài sản và thoái vốn các công ty con và công ty liên kết để gia tăng thu nhập và dòng tiền.

- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.


Theo Trọng Nghĩa

An ninh tiền tệ

Các tin khác
HVN: Ông Trần Thanh Hiền thôi giữ chức Kế toán trưởng từ 1.5.2024
Vietnam Airlines ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác Trung Quốc, tổng giá trị gần 450 triệu USD
Cổ phiếu Vietnam Airlines bay cao với “khoang hành lý” nặng 41.000 tỷ lỗ luỹ kế
HVN: Nghị quyết HĐQT về thời gian tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024
Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính 2023
HVN: Giải trình chênh lệch LNST năm 2023 so với năm trước và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát
Công cụ tài chính nào chỉ tăng nhẹ 1% có thể khiến Vietnam Airlines “bốc hơi” 300 tỷ đồng chi phí?
Chủ tịch Vietnam Airlines đề nghị được hỗ trợ tăng vốn điều lệ, giảm lãi suất cho vay và tăng hạn mức tín dụng
Thủ tướng yêu cầu trình đề án tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines ngay trong tháng 2/2024
Vietnam Airlines nêu lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát
(*) Lưu ý: Dữ liệu được tổng hợp từ các nguồn đáng tin cậy, có giá trị tham khảo với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro nào do sử dụng các dữ liệu này.