Nửa đầu năm 2016, tập đoàn FPT ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp một số lĩnh vực chủ chốt như viễn thông, phần mềm hay bán lẻ vẫn tăng trưởng tốt. Nguyên nhân chính đến từ việc mảng phân phối của FPT Trading bị giảm tới 40%.
“Con gà đẻ trứng vàng”
Phân phối là một trong những lĩnh vực lâu đời nhất và lớn nhất của FPT. Với doanh số gần 20.000 tỷ mỗi năm, FPT Trading là công ty phân phối số 1 Việt Nam trên cả 2 phân khúc là điện thoại (21,4% thị phần – số liệu theo báo cáo thường niên năm 2015) và thiết bị công nghệ thông tin (27,4% thị phần).
Với doanh số lớn, FPT Trading thường xuyên chiếm 50-60% doanh thu toàn tập đoàn FPT. Ban lãnh đạo tập đoàn FPT từng nhiều lần rất “buồn” khi doanh nghiệp của họ bị phân loại vào nhóm ngành “bán buôn, bán lẻ” do tỷ trọng doanh thu từ hoạt động thương mại quá lớn.
Thực tế, trong những năm đầu mới lên sàn, mảng phối phối có thể coi là "con gà đẻ trứng vàng" của ông Trương Gia Bình khi không chỉ đứng đầu về doanh thu mà cũng là lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của tập đoàn. Thậm chí, vào năm 2007, mảng phân phối chiếm tới 45% lợi nhuận cả năm.
Trong giai đoạn 2006-2008, mảng phân phối là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận của FPT
Những năm sau đó, khi vị trí dẫn đầu về lợi nhuận rơi vào tay mảng viễn thông cũng như sự sa sút của mảng tích hợp hệ thống thì FPT Trading vẫn luôn là 1 trong 3 lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận.
Vài năm gần đây là thời kỳ ăn nên làm ra của FPT Trading khi mà nhu cầu điện thoại trong nước tăng đột biến với tốc độ tăng trưởng 30-40%/năm.
Công ty còn có được lợi thế vô cùng lớn khi trở thành nhà phân phối chính thức các sản phẩm iPhone, iPad… của Apple từ quý 2/2013. Hợp đồng này đã giúp cho lợi nhuận của FPT Trading tăng vọt trong năm 2014 và 2015.
Tuy nhiên, bản chất của lĩnh vực phân phối các sản phẩm điện thoại, thiết bị công nghệ thông có rất nhiều tố không bền vững. Hôm nay có thể đang làm không hết việc nhưng ngày có thể không có gì để làm khi mà nhà cung cấp thay đổi chính sách bán hàng.
Đơn cử như một doanh nghiệp phân phối lớn khác Digiworld, nếu như năm 2014, doanh số điện thoại Nokia/Lumia đạt 2.400 tỷ thì sang năm 2015 chỉ còn 800 tỷ và đến năm 2016 thì dừng hẳn kinh doanh.
Quãng thời gian “hái quả ngọt” với iPhone của FPT Trading đã kết thúc từ quý 4/2015 khi Apple thay đổi chính sách phân phối. Từ thời điểm này, các nhà bán lẻ lớn như Thế giới Di động cũng như “người anh em” FPT Retail có thể nhập trực tiếp từ Apple thay vì phải qua đơn vị trung gian như FPT Trading.
Kết quả kinh doanh của FPT Trading nói riêng cũng như FPT nói chung ngay lập tức bị tác động đáng kể.
Theo một báo cáo của VPBS, nhờ iPhone, lợi nhuận 8 tháng đầu năm 2015 của FPT Trading tăng 74% nhưng tính chung cả năm 2015 mức tăng trưởng bằng 0%. Sang nửa đầu năm 2016, cả doanh thu lẫn lợi nhuận giảm 40%, tương ứng doanh thu giảm 3.700 tỷ xuống 5.600 tỷ và lợi nhuận giảm 100 tỷ xuống 182 tỷ.
Lâu nay, FPT Trading luôn là 1 trong 3 mảng có lợi nhuận lớn nhất của FPT
Nếu không có những nguồn thu mới thì việc FPT Trading bị FPT Retail vượt mặt về cả doanh thu lẫn lợi nhuận chỉ là vấn đề thời gian.
Hiện FPT đã có chủ trương bán đi cả FPT Trading và FPT Retail. Trước viễn cảnh kết quả kinh doanh sụt giảm về mức thấp sau khi mất mảng phân phối iPhone thì FPT khó có thể bán được FPT Trading với giá tốt.
Viễn cảnh ảm đạm của các công ty phân phối
Không chỉ FPT Trading, nhiều doanh nghiệp lớn khác trong lĩnh vực phân phối thiết bị công nghệ như Digiworld (DGW) hay Petrosetco PSD cũng đang rất chật vậy xoay sở trước việc “nồi cơm” ngày một teo tóp.
Khi mà hầu hết những dòng điện thoại chính được bán trực tiếp cho các chuỗi bán lẻ thì các công ty phân phối như FPT Trading, PSD hay Digiworld chủ yếu chỉ còn trông cậy vào laptop.
Sau nửa năm kinh doanh không thuận lợi, Digiworld đã quyết định giảm 27% kế hoạch doanh thu và giảm hơn 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Cổ phiếu Digiworld hiện đã mất ½ giá trị so với thời điểm lên sàn cách đây một năm.
Kinh Kha