Theo thống kê của chúng tôi, tổng công suất của các nhà máy điện trên toàn quốc hơn 81.000 MW, trong đó, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện hơn 26.000 MW.
Tổng công suất của các nhà máy nhiệt điện phía Bắc (từ Quảng Bình trở ra) là 15.500 MW, chiếm hơn 59% tổng công suất các nhà máy nhiệt điện trên cả nước và khoảng hơn 50% công suất lắp đặt của toàn miền Bắc,
Phần lớn các nhà máy lớn đến từ tỉnh Quảng Ninh với 7 nhà máy nhiệt điện có tổng công suất 5.862 MW.
Điện sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong 5 tháng năm 2023 đạt 16,7 tỷ KWh điện, bằng 15% so với tổng sản lượng điện sản xuất của cả nước và bằng 35% sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện than trên toàn quốc.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ hiện còn 2 nhà máy lớn đang được xây dựng là Quảng Trạch 1 (1.403MW) do EVN đầu tư và Vũng Áng 2 (1.330MW) do Mitsubishi và KEPCO đầu tư.
Nguy cơ thiếu than cho phát điện
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết ảnh hưởng của El Nino, nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán đã và đang tác động nghiêm trọng đến các hồ thủy điện trên cả nước. Phần lớn các hồ thủy điện đã tiệm cận mực nước chết hoặc dưới mực nước chết, ảnh hưởng lớn đến việc phát điện cũng như cung cấp nước cho hạ du.
Theo EVN, trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài ở miền Bắc, kèm theo điều kiện thủy văn không thuận lợi nên dự kiến các nhà máy nhiệt điện (than, dầu, khí) sẽ huy động rất cao để đảm bảo cung cấp điện.
Theo kế hoạch cập nhật, sản lượng huy động các tháng 6, 7/2023 của các nhà máy nhiệt điện than (NMNĐ), đặc biệt là khu vực miền Bắc sẽ duy trì ở mức rất cao.
Tổng sản lượng dự kiến huy động các nhà máy nhiệt điện sử dụng than antracite của EVN trong hai tháng 6,7 là 12,33 tỷ kWh, tương ứng với nhu cầu than cần sử dụng là 6,03 triệu tấn than.
Tuy nhiên, tổng khối lượng theo hợp đồng đã ký với TKV và TCT Đông Bắc là 4,388 triệu tấn, còn thiếu khoảng 1,642 triệu tấn so với kế hoạch. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Tổng công ty Phát điện 3) dự kiến chủ động bổ sung được khoảng 600 nghìn tấn trong tháng 6,7/2023. Như vậy, khối lượng than còn thiếu khoảng 1 triệu tấn cho các nhà máy còn lại của EVN (khoảng 600 nghìn tấn trong tháng 6 và 400 nghìn tấn trong tháng 7).
Các doanh nghiệp nhiệt điện than làm ăn ra sao?
Về kết quả kinh doanh một số nhà máy nhiệt điện lớn ở miền Bắc, nhìn chung, năm 2022, doanh thu và lợi nhuận của các nhà máy có cải thiện so với năm 2021.
Riêng tổng doanh thu và lợi nhuận các nhà máy điện thuộc Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP (Vinacomin Power) ghi nhận tăng trưởng âm so với năm 2021.
Cụ thể, tổng doanh thu bán điện của Vinacomin Power trong năm 2022 là 10.774 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 798 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 12% so với cùng kỳ.
Năm 2021, trong khi kết quả kinh doanh của các nhà máy nhiệt điện phía Bắc khác đều giảm thì doanh thu và lợi nhuận của Vinacomin Power lại đạt mức cao nhất từ trước đến nay với doanh thu 13.059 tỷ đồng và lãi 907 tỷ đồng.
Tính đến hiện nay, Vinacomin đang có 7 nhà máy điện, trong đó 5 nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc có công suất 1.550 MW, 1 nhà máy nhiệt điện ở Quảng Nam có công suất 30 MW và 1 nhà máy thủy điện ở Lâm Đồng có công suất 150 MW.
Với 2 nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Quảng Ninh 2 có tổng công suất 1.200 MW, trong năm 2022, Nhiệt điện Quảng Ninh đạt doanh thu 10.417 tỷ đồng, tăng 22% và lãi sau thuế 770 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2021. Đây là mức lợi nhuận cao thứ 2 từ trước đến nay của Nhiệt điện Quảng Ninh sau năm 2020 lãi kỷ lục 1.306 tỷ đồng.
Cũng tại tỉnh Quảng Ninh, nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 do Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương - liên doanh giữa Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) , Tập đoàn Posco Energy (Hàn Quốc) và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) làm chủ đầu tư có công suất 1.242 MW. Dự án có vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, hình thức đầu tư là 100% đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hình thức Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT).
Từ năm 2019 - 2020, doanh thu của AES Mông Dương mỗi năm từ hơn 11.000 tỷ đồng đến 13.600 tỷ đồng, lợi nhuận thu về khoảng 2.000 - 2.500 tỷ đồng, cao nhất trong các nhà máy nhiệt điện miền Bắc.
Bên cạnh đó, nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (tỉnh Quảng Ninh) thuộc Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long - Geleximco (Tập đoàn Geleximco) có tổng công suất 600 MW, trong 2 năm 2019 - 2020 đã mang về doanh thu từ 5.000 - 6.000 tỷ, lợi nhuận 400 - 500 tỷ đồng. Đây là dự án nhà máy nhiệt điện do tư nhân thực hiện đầu tiên ở nước ta, với tổng mức đầu tư 900 triệu USD.
Hai công ty khác có công suất điện trên 1.000 MW là Nhiệt điện Hải Phòng (2 nhà máy Hải Phòng 1 và Hải Phòng 2 công suất 1.200 MW) và Nhiệt điện Phả Lại (2 nhà máy Phả Lại 1 và Phả Lại 2 tại tỉnh Hải Dương công suất 1.040 MW) đều là công ty thành viên của Tổng công ty Phát điện 2 (EVN Genco2).
Trong năm 2022, Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận doanh thu đạt 10.511 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 571 tỷ đồng và Nhiệt điện Phả Lại ghi nhận doanh thu đạt 5.278 tỷ đồng, lãi 497 tỷ đồng. Lợi nhuận của cả 2 công ty trên đều tăng trên 20% so với mức nền thấp của năm 2021.
Tập đoàn Dầu khí (PVN) sở hữu 2 nhà máy nhiệt điện trong khu vực là Vũng Áng 1 và Thái Bình 2. Dự án Thái Bình 2 mới đi vào vận hành thời gian gần đây, giúp bổ sung đáng kể vào công suất phát điện của phía Bắc.
Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh cũng sở hữu 5 tổ máy phát điện tổng công suất 650MW. Trong đó khoảng 470MW dùng nội bộ và 180MW phát lên lưới điện quốc gia.
Huyền Trang
Nhịp sống thị trường