Thực tế lợi nhuận của EVN đã "đột biến" kể từ nửa cuối năm 2020. Nhiều doanh nghiệp nhà nước khác thuộc quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng có kết quả khởi sắc trong nửa đầu năm.
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2021 với mức lợi nhuận trước thuế tăng vọt gần gấp 7 từ 1.472 tỷ lên 10.127 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, mà cụ thể là lãi tỷ giá. Theo đó, doanh thu tài chính tăng từ gần 1.900 tỷ lên 7.200 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lại giảm đáng kể từ 10.100 tỷ xuống 7.900 tỷ đồng. Báo cáo của EVN cho biết trong kỳ tập đoàn có khoản lãi chênh lệch tỷ giá hơn 4.100 tỷ đồng (đã bù trừ lỗ tỷ giá) còn cùng kỳ lỗ ròng 1.400 tỷ.
Bên cạnh đó thì hoạt động kinh doanh chính của tập đoàn cũng khởi sắc hơn so với cùng kỳ khi doanh thu tăng 11% lên hơn 211.600 tỷ đồng; lãi gộp tăng hơn 2.000 tỷ lên 19.557 tỷ đồng.
Thực tế lợi nhuận của EVN đã "đột biến" kể từ nửa cuối năm 2020. Cả năm 2020, EVN đạt 15.300 tỷ đồng lợi nhuận, như vậy tổng lợi nhuận của quý 3 và 4 năm 2020 lên đến 13.800 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của EVN đạt lần lượt là 712.100 tỷ và 247.900 tỷ đồng. Tổng các khoản vay và nợ thuê tài chính đạt gần 370.000 tỷ đồng, trong đó có một lượng đáng kể là vay ngoại tệ để đầu tư các dự án. Với việc VND lên giá so với USD thì việc EVN ghi nhận khoản lãi tỷ giá lớn là điều không bất ngờ.
Không chỉ riêng EVN, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác thuộc quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (CMSC) cũng có kết quả khởi sắc trong nửa đầu năm như công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí (PVN), Petrolimex hay Tập đoàn Cao su (VRG).
Kinh Kha