Với quy mô khoảng 6 tỷ USD/năm cho thức ăn chăn nuôi và 18 tỷ USD/năm cho các sản phẩm thịt, ngành chăn nuôi Việt Nam là một thị trường cực kỳ hấp dẫn. Sân chơi tiềm năng này lâu nay nằm dưới sự chi phối của các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang có những động thái quyết liệt để gia tăng tầm ảnh hưởng của mình.
Cuối tháng 4/2015, trong một động thái đầy bất ngờ, Masan Group đã công bố nắm được quyền kiểm soát đối với 2 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi là Proconco – sở hữu 52% và ANCO – sở hữu 70% cổ phần.
Hai khoản đầu tư này được Masan sở hữu gián tiếp thông qua Masan Nutri-Science (MNS), trước đây là Công ty TNHH Sam Kim. Động thái này càng bất ngờ hơn khi cuối năm 2014 Masan đã bán đi Masan Agri, công ty khi đó đang sở hữu 40% cổ phần của Proconco.
Khác biệt ở chỗ, với tỷ lệ 40%, Masan không giành được quyền chi phối cũng như không thể hợp nhất doanh thu của Proconco. Hiện doanh thu hàng năm của Pronconco dao động quanh mức 12.000 tỷ trong khi của ANCO là 6.000 tỷ.
Số liệu của C.P Vietnam và Dabaco chỉ tính riêng mảng thức ăn chăn nuôi
Thức ăn chăn nuôi: Khoảng cách không lớn
Bản thân Proconco hiện đang giữ vị trí thứ 2 về thị phần thức ăn chăn nuôi, nay kết hợp thêm với ANCO sẽ đưa MNS trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với doanh nghiệp dẫn đầu là C.P Vietnam. Riêng trong phân khúc thức ăn dành cho heo, MNS là công ty có thị phần lớn nhất.
Mục tiêu Masan đặt ra cho MNS trong năm là 1 tỷ USD doanh thu trong năm 2015. Con số này tương đương với doanh thu của Masan Consumer và Masan Resources cộng lại. Masan cũng đặt mục tiêu MNS sẽ vượt lên dẫn đầu thị phần thức ăn chăn nuôi vào vào năm 2017.
Theo công bố của Masan, tổng sản lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi năm 2014 của Proconco và ANCO đạt 1,7 triệu tấn với tổng doanh thu hơn 800 triệu USD.
Còn với C.P Vietnam, doanh thu năm 2014 đạt 2,07 tỷ USD, trong đó riêng mảng thức ăn chăn nuôi đạt 867 triệu USD. Phần còn lại đến từ chăn nuôi và chế biến thực phẩm với 1,2 tỷ USD.
Với hơn 20 năm hoạt động tại thị trường nông nghiệp Việt Nam, C.P Vietnam - trực thuộc C.P Group của Thái Lan - hiện là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi tại Việt Nam.
Hoàn thiện chuỗi giá trị 3F gồm Thức ăn chăn nuôi (Feed) – Chăn nuôi (Farm) – Chế biến thực phẩm (Food) là mục tiêu mà mọi doanh nghiệp trong ngành đang hướng đến.
Nhằm phát triển chuỗi 3F, đầu năm nay Masan cũng đã mua lại Saigon Nutri Food, một doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực chế biến xúc xích.
Tương tự như Masan, Thủy sản Hùng Vương (HVG) cũng coi C.P Group là mục tiêu phấn đấu. Mặc dù chủ yếu được biết đến với hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu nhưng hệ thống Hùng Vương đang phát triển khá đồng đều chuỗi giá trị 3F.
Bên cạnh nguồn thu từ xuất khẩu thủy sản, Hùng Vương còn có nguồn thu đáng kể từ thức ăn chăn nuôi. Hùng Vương hiện sở hữu 6 nhà máy sản xuất thức ăn, công suất 905.000 tấn/năm. Các nhà máy này một phần được tiêu thụ nội bộ và một phần bán ra ngoài.
Việt Thắng (VTF) – đơn vị sản xuất thức ăn chủ lực của hệ thống Hùng Vương – có kế hoạch nâng công suất từ 480 nghìn tấn lên 800 nghìn tấn/năm trong năm nay.
Tổng giám đốc của Hùng Vương, ông Dương Ngọc Minh tự tin khẳng định: “Về sản xuất thức ăn thủy sản, có thể khẳng định chúng tôi là nhà sản xuất lớn nhất trên thế giới về mặt hàng chế biến thức ăn tại một quốc gia. Năm 2015, mục tiêu là 1 triệu tấn/năm cho mặt hàng thức ăn thủy sản. Chưa có tập đoàn nào, kể cả C.P đạt được con số 400.000 tấn”.
Trong năm 2014, doanh thu từ mảng thức ăn thủy sản - bao gồm cả kinh doanh bánh đậu nành là đầu vào của hoạt động sản xuất thức ăn – đạt gần 8.400 tỷ đồng, chiếm 56% tổng doanh thu.
Chăn nuôi & chế biến: Khoảng cách còn xa
Rõ ràng các doanh nghiệp trong ngành đều đang gây sức ép lên vị trí số 1 của C.P Vietnam, đặc biệt tại 2 mảng lớn là thức ăn thủy sản và thức ăn nuôi heo. Tuy nhiên, với vị thế lớn trên cả 2 mảng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, tầm ảnh hưởng của C.P đối với thị trường chăn nuôi nói chung vẫn rất lớn.
Trong 2 năm 2013-2014, trong khi doanh thu thức ăn chăn nuôi tăng trưởng rất thấp, chưa đến 10%/năm thì doanh thu từ mảng chăn nuôi – chế biến thực phẩm của C.P Vietnam lại tăng 25-30%/năm. Điều này có thể xuất phát từ việc C.P tăng tỷ lệ thức ăn tiêu thụ nội bộ để phát triển mảng chăn nuôi.
Năm 2012, doanh thu thức ăn chăn nuôi của C.P Vietnam vẫn lớn hơn doanh thu chăn nuôi – thực phẩm. Nhưng đến năm 2014, doanh thu từ chăn nuôi – thực phẩm đã bỏ xa doanh thu từ thức ăn.
Trong ngắn hạn, Masan có thể đuổi kịp C.P về thức ăn chăn nuôi nhưng còn về mảng chăn nuôi và chế biến, con số hơn 1,2 tỷ USD, tương đương gần 26.000 tỷ đồng vẫn là khoảng cách rất xa so với tất cả các doanh nghiệp trong ngành.
Doanh thu chăn nuôi và chế biến thực phẩm của C.P Vietnam đang có tốc độ tăng trưởng 25-30%/năm
KAL