Giá thịt heo (lợn) giảm sâu trong quý 2 do phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu đã tạo nên cú sốc lớn đối với hàng vạn hộ chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị 3F Feed (thức ăn chăn nuôi) - Farm (chăn nuôi) - Food (chế biến thực phẩm) của ngành.
Tuy nhiên, nhìn chung thì mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi dù có sụt giảm nhưng không đến nỗi "bết bát" như mảng kinh doanh chăn nuôi, bởi vì mảng thức ăn chăn nuôi heo sụt giảm song bù lại, mảng thức ăn gia cầm vẫn tăng trưởng tốt.
Đơn cử như Masan Nutri-Sciecne - công ty sở hữu 2 công ty hàng đầu trong ngành thức ăn chăn nuôi là Proconco và ANCO - cho biết do giá thịt heo hơi có lúc giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, các hộ chăn nuôi nhỏ phải treo chuồng, ngưng chăn nuôi và không có đầu tư gì nhiều cho kỳ chăn nuôi tiếp theo, nên quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi heo nhìn chung đã giảm 35-40%.
Mặc dù vậy, Masan Nutri-Science với nguồn thu chủ đạo là thức ăn chăn nuôi, ghi nhận lợi nhuận giảm 52% so với nửa đầu năm 2016 nhưng vẫn có lãi 470 tỷ đồng.
Trong khi đó, những doanh nghiệp có nguồn thu lớn từ chăn nuôi thì đa số đều lỗ. Dabaco Group, một doanh nghiệp lớn ở miền Bắc lỗ 20 tỷ trong quý 2, chủ yếu do khoản lỗ gộp 154 tỷ đồng của mảng chăn nuôi. Mảng thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp này vẫn khả quan.
CP Việt Nam, doanh nghiệp lớn nhất trong ngành thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi đã ghi nhận mức thua lỗ lớn nhất trong lịch sử. Mặc dù doanh thu chỉ giảm 11% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận của CP Việt Nam đã giảm sốc từ mức lãi 3.300 tỷ của nửa đầu năm 2016 xuống lỗ 2.100 tỷ (95 triệu USD).
Nguyên nhân thua lỗ lớn của CP Việt Nam là do doanh nghiệp này có thị phần quá lớn trong phân khúc chăn nuôi heo nói riêng cũng như chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung.
CP Việt Nam là công ty con của Tập đoàn CP Group, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất châu Á của Thái Lan. CP Group cũng chính là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới. Với gần 30 năm kinh doanh tại Việt Nam và xây dựng chuỗi giá trị 3F hoàn chỉnh, từ lâu CP Việt Nam đã có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chăn nuôi.
Vài năm gần đây, thay vì đẩy mạnh mảng thức ăn chăn nuôi, CP Việt Nam đã tập trung phát triển rất mạnh mảng chăn nuôi và chế biến thực phẩm - phân khúc thị trường giàu tiềm năng nhưng còn khá sơ khai.
Từ năm 2013, doanh thu của mảng Farm&Food đã vượt qua ngày càng bỏ xa so với doanh thu từ thức ăn chăn nuôi. Năm 2016, CP Việt Nam đạt doanh thu khoảng 51.000 tỷ đồng (2,25 tỷ USD) thì mảng chăn nuôi đóng góp tới 30.000 tỷ - gấp rưỡi so với mảng thức ăn.
Doanh thu thức ăn chăn nuôi chững lại trong nhiều năm liền đã tạo cơ hội cho các đối thủ chính như Masan Nutri-Science, GreenFeed, Cargill ... dần thu hẹp khoảng cách, thậm chí có thể soán ngôi vị trí số 1 thì CP Việt Nam lại gần như không có đối thủ đáng kể trong mảng chăn nuôi. Masan dù cũng rất tham vọng với chuỗi 3F nhưng hiện cũng mới chỉ bước những bước đầu tiên vào mảng Farm&Food.
Kiến Khang