Theo báo cáo tài chính quý 1/2024, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.308 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp tăng gần 9% lên 267 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi khấu trừ chi phí và thuế, Habeco lại lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 3,7 tỷ đồng. Như vậy, sau ba quý kinh doanh khởi sắc, công ty sở hữu thương hiệu Bia Hà Nội lại ghi nhận quý lỗ lớn nhất trong 4 năm, kể từ quý 1/2020.
Lý giải nguyên nhân lợi nhuận âm, lãnh đạo Habeco cho rằng mặt bằng lãi suất huy động giảm khiến cho doanh thu hoạt động tài chính của công ty giảm giảm 16% xuống còn gần 38 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc gia tăng đầu tư cho công tác thị trường cũng ảnh hưởng đáng kể đến chi phí.
Báo cáo tài chính của Habeco cho thấy, trong kỳ vừa qua khoản chi phí bán hàng đã tăng 13% lên hơn 230 tỷ đồng, trong đó tốn kém nhất là chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ khi tăng đến 42% lên 105 tỷ đồng. Thực tế, trong bối cảnh các quy định siết chặt quy định nồng độ cồn ngày càng gắt gao, hầu hết các hãng bia đều "bạo chi" cho việc quảng cáo để gia tăng nhận diện thương hiệu và chiếm lĩnh thị phần.
Đến cuối tháng 3, tổng tài sản hợp nhất của "ông lớn" ngành bia miền Bắc này giảm gần 600 tỷ về gần 6.552 tỷ đồng. Đáng chú ý, lượng tiền và các khoản tương đương tiền sụt gần 54% xuống còn 540 tỷ đồng, hàng tồn kho của doanh nghiệp này giảm 10%, xuống 646 tỷ đồng. Nợ phải trả cũng giảm 575 tỷ đồng so với hồi đầu năm, xuống còn 1.267 tỷ đồng.
Habeco tiền thân là nhà máy bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890. Khôi phục từ một nhà máy bia nhỏ của người Pháp bị phá huỷ sau chiến tranh, Habeco đã vươn lên trở thành "ông lớn" dẫn đầu thị phần tiêu thụ bia phía Bắc với thương hiệu huyền thoại như Bia Hà Nội, Bia hơi Hà Nội và Bia Trúc Bạch.
Từng là doanh nghiệp nội được ưa chuộng nhất miền Bắc, song những năm gần đây Habeco liên tục vấp phải sức cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ nặng ký như Heineken, Carlberg... Thị phần của "biểu tượng ngành bia Bắc Bộ" dần lu mờ ngay cả trên chính sân nhà, kết quả kinh doanh cũng theo đà lao dốc trong những năm qua.
Sau giai đoạn khó khăn thời Covid, doanh thu của Habeco đã phục hồi từ năm 2022 nhưng chưa thể quay trở lại mức trước dịch. Động thái siết chặt việc sử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông thời gian qua đang ảnh hưởng rõ rệt đến văn hóa bia rượu và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của các hãng bia.
Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm 7% so với năm trước, xuống còn 7.900 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 355 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm 2022 và là mức thấp thứ 2 kể từ khi lên sàn chứng khoán, chỉ cao hơn con số năm 2021.
Nhận diện môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn khi tình trạng sức mua của người tiêu dùng phục hồi chậm, quy định kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn và áp lực cạnh tranh tiếp tục gay gắt khi nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi tâm lý sinh ngoại, thích uống bia nhập khẩu, Habeco đặt kế hoạch doanh thu năm nay đạt khoảng 6.543 tỷ đồng và lãi sau thuế 202 tỷ đồng, đều thấp hơn mức thực hiện năm 2023. Với kết quả quý 1, công ty còn cách xa mục tiêu lợi nhuận kể trên.
Trên thị trường, cổ phiếu BHN cũng đang trôi về vùng đáy lịch sử, vốn hóa thị trường chỉ đạt 8.800 tỷ đồng, gần mức thấp nhất từ trước đến nay.
Hạ Anh