Nếu như năm ngoái chỉ mới manh nha vài ba vụ hợp nhất, sáp nhập thì năm nay lại khác. Ồ ạt sáp nhập, hợp nhất như một loại "mốt", một người làm tốt, nhiều người thích là sẽ theo.
Hợp nhất, sáp nhập thành mốt Cặp đại gia ngân hàng PVFC-WesternBank: Sau gần một năm ròng rã với những đàm phán, lên kế hoạch, trình, sửa; sửa, trình..., cuối cùng, cuộc hôn nhân đầy sóng gió của một công ty tài chính và một ngân hàng chính thức đi được những bước tiến dài, bước tiến nhanh thông qua đại hội cổ đông thành lập Ngân hàng hợp nhất. Đoạn trường vẫn còn cho cổ đông "lướt sóng" bởi quá trình hợp nhất dài hơi không dành cho những nhà đầu tư định hướng "ăn xổi". Cổ phiếu PVF chạm sàn nhiều phiên và lượng bán ồ ạt. Cung hàng lớn còn cầu hàng chậm hơn , có lẽ, bởi số người muốn nắm giữ cổ phiếu cho đến khi ngân hàng mới thành hình là ít.
DaiABank và HDBank: Ngân hàng Đại Á (DaiABank)cũng đang rục rịch những bước đi "CẦN" là họp ĐHCĐ bất thường xin cổ đông thông qua sáp nhập với
HDBank.
Khác những ngân hàng thuộc diện bắt buộc tái cấu trúc khác, thương vụ này thuận bên mua, vừa lòng bên bán để rồi đi đến kế hoạch sáp nhập. Với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1, câu chuyện sáp nhập có vẻ sẽ dễ xuôi chèo mát mái bởi cổ đông không đến mức cảm thấy bị xáo trộn mạnh.
Hay như "anh cả" Vingroup (VIC), một công ty mạnh về cả tài chính, quản trị mới gần đây đã thông qua phương án nhận sáp nhập một công ty trên Upcom là PFV (Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại PFV). Không phải là lần đầu mà doanh nghiệp này đã từng có "tiếng thơm" khi sáp nhập thành công công ty bất động sản nghỉ dưỡng lớn lúc đó đang niêm yết là Vinpearl (VPL) hồi năm 2011.
Bộ 3 thuỷ điện RHC, NLC, SJD: ĐHCĐ tất cả các công ty liên quan đều đã "gật đầu", con đường để RHC và NLC biến mất và trở thành SJD chỉ còn là những bước thủ tục. Rồi sau này, 3 công ty thuỷ điện sẽ thành người một nhà. TTCK chia tay 2 công ty thuỷ điện nhỏ và đón nhận 1 công ty lớn phổng lên sau tái cơ cấu.
Cùng với việc tái cấu trúc tập đoàn Sông Đà, hàng loạt doanh nghiệp họ này đã và đang tiến hành sáp nhập, hợp nhất. Điển hình như ĐHCĐ năm nay của SD6 tính chuyện
sáp nhập Công ty cổ phần Sông Đà-Hoàng Long vào SD6; S91 bất ngờ chủ trương xin ý kiến cổ đông sáp nhập vào "mẹ"
SD9, cuối tháng 9 tới đây,
SEL sẽ hủy niêm yết để sáp nhập vào
SJE...
DHL vài ngày nữa sẽ huỷ niêm yết để sáp nhập vào một doanh nghiệp niêm yết khác là
HDO. Ngoài ra, rất nhiều công ty đã hoàn tất việc tái cơ cấu bằng phương pháp sáp nhập, hợp nhất hồi năm ngoái như
FLC,
VIS (sáp nhập luyện thép Sông Đà vào VIS)...
Sắp tới đây, MBS sẽ tổ chức ĐHCĐ sáp nhập với công ty chứng khoán VITS; SBS trước khi huỷ niêm yết đã xuất hiện thông tin xin ý kiến cổ đông hợp nhất với Chứng khoán Phương Nam (PNS)...
Cần tạo niềm tin tái cấu trúc
Tái cấu trúc cần nhất là tư duy không cộng ngang. Phải có phương án kinh doanh, nhân sự để rồi có năng suất lao động cao hơn, cơ cấu kinh doanh hợp lý hơn, bổ trợ nhau tốt hơn về khách hàng, về thị trường hoặc đơn thuần là tạo ra chuỗi cung ứng tốt hơn.
Việc tái cấu trúc bằng sáp nhập, hợp nhất tất nhiên sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề và khi trình phương án cơ cấu cho cổ đông thông qua, điều doanh nghiệp cần làm là nói rõ những gì lớn có thể đến. Kể cả tốt, kể cả xấu.
Vẫn nhớ,
hồi đầu năm nay, công ty thép Phúc Tiến (PHT) đã huỷ niêm yết để sáp nhập vào TLH. Trước đó, không hề có "cảnh báo" nào từ công ty là có khoản "lãi" bất ngờ do việc hợp nhất vốn chủ sở hữu và hoàn nhập dự phòng đầu tư mang lại. Nếu cổ đông không đọc kỹ, để ý kỹ nguyên nhân lãi lỗ thì dễ vào vòng xoáy ảo tưởng về doanh nghiệp cho những quý sau.
Hay như Alphanam, kỳ báo cáo kiểm toán đầu tiên sau thương vụ sáp nhập “khủng”
CTCP Đầu tư Alphanam vào
ALP, kiểm toán lưu ý về giá trị lợi thế thương mại
phát sinh trong quá trình hợp nhất kinh doanh là 1.582 tỷ đồng. Khoản lợi thế
thương mại này sẽ được phân bổ dần vào chi phí tài chính trên BCTC HN theo quy
định hiện hành với thời gian phân bổ 10 năm. Đây là điều không phải nhiều người có thể ước lượng được trước sáp nhập.
Chỉ bấy nhiêu ví dụ về hợp nhất, sáp nhập nêu trên cũng đủ thấy: phương thức tái cấu trúc này đang "hút hàng" nhiều doanh nghiệp. Ắt hẳn đây là phương pháp tốt mới đủ thuyết phục cổ đông thông qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần làm nhiều hơn nữa để tạo niềm tin cho nhà đầu tư về tương lai sau tái cấu trúc.
Thanh Hiên