Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/5, cổ phiếu VEF cả CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) tăng 5,72% lên mức 223.500 đồng/cp. Thị giá của VEF đã duy trì đà tăng ấn tượng kể từ đầu năm nay. Cụ thể, cổ phiếu này đã ghi nhận mức tăng 104% từ vùng giá khoảng hơn 100.000. Tuy nhiên thanh khoản của VEF chỉ ở mức vài nghìn khớp lệnh mỗi phiên.
Với mức giá trên, hiện vốn hóa của VEFAC đã đạt mức 37.235 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD), tăng hơn 18.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Giá trị vốn hóa của công ty này đã gần tiệm cận với TPbank hay FPT Telecom, thậm chí vượt một số tên tuổi nổi tiếng trên sàn như tập đoàn Bảo Việt, PNJ, OCB, PV Power, REE, Khang Điền...
Đây là một điều bất ngờ đối với nhiều người khi xét về quy mô công ty này. Tính đến hết quý 1/2024, tổng tài sản của VEFAC chỉ hơn hơn 10.000 tỷ đồng, nhỏ hơn nhiều so với những cái tên nêu trên.
Cổ phiếu của VEFAC tăng vọt từ đầu năm có thể đến từ thông tin vào tháng 5/2024, doanh nghiệp này đã UBND thành phố Hà Nội giao hơn 252 ha đất đã GPMB để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm (huyện Đông Anh). Dự án này có tổng diện tích hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 34.000 tỷ đồng.
Trong đó, có hơn 427.000 m2 đất ở; gần 324.000 m2 đất công cộng có mục đích kinh doanh; gần 175.000 m2 đất thương mại, trường học, công cộng có mục đích kinh doanh; còn lại là hơn 1,6 triệu m2 đất cây xanh, mặt nước, giao thông, hạ tầng kỹ thuật.
UBND TP Hà Nội yêu cầu VEFAC thực hiện đầy đủ các cam kết về việc luôn đảm bảo tỷ lệ % cổ phần Nhà nước, phân chia tỷ lệ lợi nhuận của Nhà nước tại dự án là 10%, nếu kinh doanh thua lỗ Nhà nước sẽ chịu theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp.
Tại khu nhà ở xã hội tập trung xã Tiên Dương quy mô gần 45 ha, chủ đầu tư được yêu cầu phối hợp với UBND huyện Đông Anh và Sở Xây dựng thực hiện bố trí đủ diện tích quỹ nhà ở xã hội theo quy định.
Theo BCTC quý I/2024 của VEFAC, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của dự án này tại thời điểm cuối năm gần 1.230 tỷ đồng, chi phí xây dựng dở dang ghi nhận gần 834 tỷ đồng.
VEFAC được biết đến là công ty con của Vingroup (mã chứng khoán: VIC), do tập đoàn này sở hữu hơn 83% vốn. Theo báo cáo thường niên năm 2022, VEFAC cho biết, tại Đông Anh doanh nghiệp đang triển khai 2 dự án là Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm (tổng vốn đầu tư khoảng 34.879 tỷ đồng) và Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (hơn 7.336 tỷ đồng). Hai dự án này có tổng diện tích hơn 300 ha, cách trung tâm Hà Nội 15 km và giáp tuyến đường quy hoạch nối từ cầu Tứ Liên đi vành đai 3.
Một điều đặc biệt về doanh nghiệp này, dù công ty có doanh thu thấp chỉ vài trăm triệu đến vài tỷ nhưng vẫn báo lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi quý. Ví dụ, như năm 2023, doanh thu 9 tỷ đồng, gấp gần 10 lần năm trước. Nhờ doanh thu hoạt động tài chính đạt 564 tỷ đồng, lợi nhuận VEFAC trong năm qua đạt mức 435 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp từ trước đến nay.
Thực tế, không chỉ riêng năm 2023, các năm trước đó lợi nhuận của doanh nghiệp này đều không đến từ doanh thu của hoạt động kinh doanh chính mà chủ yếu từ hoạt động tài chính.
Trong quý 1/2024, VEFAC ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh là 228,4 triệu đồng, tuy nhiên lợi nhuận từ hoạt động tài chính là 124,9 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, lãi sau thuế của VEF là 91,6 tỷ đồng. Tại phần tài sản, doanh nghiệp cũng thuyết minh đang cho vay ngắn hạn và dài hạn số tiền 5.346 tỷ đồng với lãi suất 11 - 12%/năm.
Tại thời điểm ngày 31/3, quy mô tài sản của VEF là 10.852,2 tỷ đồng. Ngoài khoản tiền dùng cho vay để thu lãi, các tài sản liên quan đến việc phát triển dự án bất động sản là 3.077,3 tỷ đồng gồm hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Trọng Hiếu
An ninh tiền tệ