Trong thông báo mới nhất, cổ đông lớn Nguyễn Quốc Quân đã báo cáo bán ra 12,5 triệu cổ phiếu PAP của Công ty cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An trong phiên 23/5.
Sau giao dịch, ông Quân giảm sở hữu tại PAP từ 6,9% xuống còn 0,65%, tương ứng nắm hơn 1,3 triệu cổ phiếu, không còn là cổ đông lớn tại PAP.
Ghi nhận trong cùng phiên, cổ phiếu PAP phát sinh giao dịch thỏa thuận bằng đúng lượng ông Quân bán ra, tổng giá trị gần 169 tỷ, tương đương giá bình quân 13.500 đồng/cp. Khả năng cao vị cổ đông lớn đã sang tay lượng cổ phần qua hình thức thỏa thuận.
Ông Quân chính thức trở thành cổ đông lớn tại PAP sau khi mua hơn 13,8 triệu cổ phiếu trong phiên 7/6/2022. Thị trường cùng phiên đó cũng phát sinh giao dịch thỏa thuận bằng đúng lượng ông Quân mua vào, giá trị gần 166 tỷ, tương ứng giá bình quân 12.000 đồng/cp.
Kể từ thời điểm đó vị này không báo cáo giao dịch, sau gần 2 năm mới bán ra gần hết lượng cổ phần nắm giữ. Nếu hai giao dịch thỏa thuận đều thuộc về ông Quân, ước tính cá nhân này lãi hơn 12%, tương ứng gần 19 tỷ đồng nhờ chốt lời cổ phiếu PAP.
Trên thị trường, cổ phiếu PAP ghi nhận biến động mạnh. Thời điểm đầu tháng 6/2022 thị giá giao dịch quanh vùng 12.000 đồng/cp. Gần nhất, giá PAP tăng mạnh lên đỉnh giá 25.800 đồng/cp vào giữa tháng 4/2024 trước khi quay đầu giảm về 15.800 đồng/cp (chốt phiên 30/5). Thanh khoản tương đối ảm đạm với vài nghìn đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên, nhiều phiên "trắng thanh khoản".
Theo giới thiệu trên website, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An là đơn vị được thành lập vào ngày 29/4/2008 để thực hiện việc đầu tư và khai thác Cảng tổng hợp Phước An theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietNam) và tỉnh Đồng Nai.
Ban đầu, cơ cấu cổ đông sáng lập gồm PetroVietNam sở hữu 79,54% vốn và Tổng Công ty Phát triển Khu Công nghiệp (SONADEZI) nắm 17,5% vốn. Tuy nhiên sau nhiều lần phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư bên ngoài, tính tới ngày 31/12/2023, mặc dù PetroVietNam vẫn sở hữu 35 triệu cổ phiếu, nhưng tỷ lệ sở hữu đã giảm còn 17,5%. Nhóm cổ đông lớn mới là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn nắm hơn 40 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 20,1%.
Về kết quả kinh doanh, mặc dù bối cảnh chung của ngành cảng biển - logistics ghi nhận tình hình tích cực trong vài năm trở lại đây, PAP vẫn ngược dòng thua lỗ.
Công ty liên tục "trắng" doanh thu, kể từ năm 2017 đến nay đã là năm thứ 7 doanh nghiệp này không có doanh thu. Tới quý 1/2024, PAP lỗ thêm 1,5 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính tới cuối quý 1/2024 đã hơn 15 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/3/2024, tổng tài sản của PAP đạt hơn 4.641 tỷ đồng, tăng 204 tỷ (5%) so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền và tương đương tiền đạt 75 tỷ đồng, giảm 27%. Đà tăng đến từ các khoản phải thu ngắn hạn với gần 4% lên 448 tỷ đồng. Đồng thời chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng tăng mạnh từ 3.890 tỷ đồng lên 4.105 tỷ (tăng 215 tỷ sau 3 tháng). Đây chủ yếu là khoản chi phí phát sinh liên quan đến dự án cảng Phước An.
Tổng nợ phải trả ở mức hơn 2.553 tỷ đồng, trong đó giá trị khoản vay và nợ thuê tài chính hơn gần 1.443 tỷ đồng, chủ yếu là nợ dài hạn.
Lý giải cho việc liên tục không ghi nhận doanh thu, PAP cho biết, Công ty là doanh nghiệp dự án, hiện đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, do đó chưa có doanh thu từ hoạt động kinh doanh.
Thông tin từ PAP, Dự án đầu tư xây dựng Cảng Phước An đã hoàn thành bồi thường, nhận bàn giao diện tích 157,3ha, sẵn sàng cho việc đầu tư xây dựng; Dự án Đầu tư Khu Dịch vụ hậu cần cảng (Logistics) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tổng diện tích 475ha/550,4ha.
Việc thi công Phân kỳ 1 - Cảng Phước An đã thực hiện được 65% khối lượng công việc. PAP đang đẩy nhanh công tác xây dựng để đảm bảo đưa dự án đã được phê duyệt, đã ký hợp đồng thi công, được cấp Giấy phép xây dựng và đang triển khai thi công theo tiến độ hợp đồng để đưa Phân kỳ 1 của dự án vào vận hành, khai thác trong quý 2/2024.
Tuệ Giang
An ninh tiền tệ