CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (MCK: PAP) mới công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với tình hình kinh doanh tiếp tục không có khởi sắc.
Cụ thể, quý IV/2023, Cảng Phước An tiếp tục không có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng không có doanh thu tài chính, trong khi cùng kỳ năm trước doanh thu tài chính vẫn được ghi nhận hơn 3,3 tỷ đồng.
Mặc dù không đem về được khoản doanh thu nào nhưng doanh nghiệp này vẫn phát sinh hơn 1,8 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Điều này đã dẫn đến công ty lỗ sau thuế hơn 1,8 tỷ đồng trong quý cuối năm 2023, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 1,3 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm 2023, Cảng Phước An tiếp tục "trắng” doanh thu và lỗ sau thuế gần 6,8 tỷ đồng. Như vậy, kể từ năm 2017, đến nay đã là năm thứ 7 doanh nghiệp này không có doanh thu.
Lý giải cho việc liên tục không ghi nhận doanh thu, PAP cho biết, Công ty là doanh nghiệp dự án, hiện đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, do đó chưa có doanh thu từ hoạt động kinh doanh. Tại ngày 31/12/2023, PAP đã lỗ luỹ kế 13,9 tỷ đồng.
Theo giới thiệu trên website, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An là đơn vị được thành lập vào ngày 29/4/2008 để thực hiện việc đầu tư và khai thác Cảng tổng hợp Phước An theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và tỉnh Đồng Nai.
PAP được sáng lập với 2 Cổ đông chính đó là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Nai. Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietNam ) sở hữu 79,54%; về phía tỉnh Đồng Nai: Tổng Công ty Phát triển Khu Công nghiệp (SONADEZI) 17,05%; Các cổ đông cá nhân 3,41%.
Theo tìm hiểu, trước khi niêm yết trên sàn UPCoM (ngày 14/7/2021), PAP đã 3 lần tăng vốn từ 440 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Trong lần tăng vốn gần đây nhất, PAP đã tăng vốn từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.
Tính tới ngày 31/12/2022, PAP cho biết, mặc dù PetroVietNam vẫn sở hữu 35 triệu cổ phiếu, nhưng tỷ lệ sở hữu đã giảm từ 23,3% về chỉ còn 17,5%. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu nhóm cổ đông khác đã tăng từ 32,7% lên 62,4% vốn điều lệ, cổ đông lớn khác nữa là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn 20,1%.
Có thể thấy, bằng việc liên tục phát hành riêng lẻ cho nhóm nhà đầu tư bên ngoài, PetroVietNam liên tục bị pha loãng tỷ lệ sở hữu và giờ chỉ còn sở hữu 17,5% vốn điều lệ, mất khả năng chi phối với tỷ lệ sở hữu cần thiết tại PAP.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Công ty tiếp tục thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 2.380 tỷ đồng.
Những năm trước năm 2021, dù hoạt động kinh doanh chính không tạo ra doanh thu, nhưng nhờ khoản doanh thu tài chính đáng kể từ tiền gửi tiết kiệm nên kể từ năm trắng doanh thu (2017), doanh nghiệp này lỗ duy nhất 7,7 tỷ đồng vào năm 2018, còn lại vẫn ghi nhận lãi trên chục tỷ mỗi năm.
Sang năm 2021, doanh thu tài chính giảm mạnh từ 28,6 tỷ đồng về còn 320,9 triệu đồng. Năm 2022, khoản doanh thu tài chính này đạt 4,8 tỷ đồng. Tuy vậy, khoản doanh thu tài chính này không đủ bù đắp chi phí nên PAP đã ghi nhận lỗ kể từ năm 2021.
Năm 2022, PAP lỗ gấp đôi năm 2021 do công ty đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, nên phát sinh chi phí với mức độ lớn. Mức tăng chi phí lớn hơn mức tăng doanh thu đã dẫn đến doanh nghiệp này tăng lỗ so với năm 2021.
Liên quan đến dự án Cảng Phước An, năm 2022, PAP đã liên tiếp ký 3 hợp đồng thi công xây dựng công trình với CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc là đơn vị sở hữu 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A đơn vị sở hữu 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV Hoành Sơn là doanh nghiệp có góp cổ phần trên 10% vốn điều lệ tại PAP để thực hiện xây dựng Phân kỳ 1 Dự án Cảng Phước An với giá trị lần lượt 1.363 tỷ, 1.725 tỷ và 3.725 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng tài sản của PAP đạt hơn 4.436,8 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền và tương đương tiền đạt 103,2 tỷ đồng, giảm gần 84%. Đà tăng đến từ các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ gần 76 tỷ đồng lên hơn 430,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng tăng mạnh từ 2.387,8 tỷ đồng, lên mức 3.889,5 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí phát sinh liên quan đến dự án cảng Phước An.
Theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch 11 tháng năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới của PAP, Sở KHĐT tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận điều chỉnh Dự án Cảng Phước An và Khu dịch vụ hậu cần (Logistics) thành 2 Dự án đầu tư xây dựng Cảng Phước An và Dự án Đầu tư Khu Dịch vụ hậu cần cảng (Logistics).
PAP cũng cho biết, Dự án đầu tư xây dựng Cảng Phước An đã hoàn thành bồi thường, nhận bàn giao diện tích 157,3ha, sẵn sàng cho việc đầu tư xây dựng; Dự án Đầu tư Khu Dịch vụ hậu cần cảng (Logistics) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tổng diện tích 475ha/550,4ha.
Việc thi công Phân kỳ 1- Cảng Phước An đã thực hiện được 65% khối lượng công việc. PAP đang đẩy nhanh công tác xây dựng để đảm bảo đưa dự án đã được phê duyệt, đã ký hợp đồng thi công, được cấp Giấy phép xây dựng và đang triển khai thi công theo tiến độ hợp đồng để đưa Phân kỳ 1 của dự án vào vận hành, khai thác trong quý II/2024.
Tại thời điểm 31/12/2023, PAP có tổng nợ pải trả ở mức hơn 2.347,6 tỷ đồng, tăng gần 2,2 lần so với đầu năm. Trong đó, tổng giá trị khoản vay và nợ thuê tài chính hơn gần 1.271 tỷ đồng, trong khi đầu năm khoản này không ghi nhận.
Theo Hà Anh
An ninh tiền tệ