Nội dung nổi bật:
- Moody's đánh giá vụ sáp nhập này giúp giảm nguy cơ rủi ro cho hệ thống, đồng thời giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc thực thi các quy định và giám sát hệ thống
- Các nhà băng còn lại có thể mở rộng thị phần, và đặc biệt là sẽ khiến các nhà băng này sẵn sàng cho vay nhiều hơn
Hãng tín nhiệm Moody’s vừa có bản đánh giá về việc sáp nhập giữa Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MaritimeBank) và Ngân hàng TMCP Mê Kông (MDB). Đây là thương vụ sáp nhập đầu tiên kể từ khi lãnh đạo NHNN công bố trong năm nay (2015) sẽ có thêm nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập các ngân hàng trong hệ thống để giảm số lượng ngân hàng xuống chỉ còn 15-17 ngân hàng, thay vì 40 như hiện nay.
Theo đó, hãng này đánh giá việc tăng cường sáp nhập các ngân hàng của Việt Nam là một tín hiệu tích cực bởi nó sẽ giúp loại bỏ một số nhà băng yếu kém, và trong vài trường hợp là những nhà băng yếu nhất trong hệ thống ngân hàng.
“Bởi một vài trong số các nhà băng này là các ngân hàng có quy mô nhỏ và thiếu vốn, việc giảm số lượng các ngân hàng này sẽ giúp tránh lây lan nguy cơ rủi ro cho toàn hệ thống” – Bản đánh giá của Moody’s nêu.
Ngoài việc sẽ giúp giảm nguy cơ rủi ro cho hệ thống thì việc giảm số lượng ngân hàng còn giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc thực thi các quy định và giám sát hệ thống. Một số vấn đề nảy sinh trong hệ thống ngân hàng Việt Nam vừa qua bắt nguồn từ sự quản lý thiếu chặt chẽ.
Hơn nữa, mặc dù nguồn vốn liên ngân hàng được coi là một phần của tổng vốn ngân hàng đã giảm xuống mức 10%-15% vào cuối năm 2014, từ mức 22% thời điểm cuối 2011, nhưng vẫn còn cao ở một số ngân hàng và tiếp tục là yếu tố tiêu cực ảnh hưởng tới độ tin cậy của thị trường.
Cũng theo hãng xếp hạng tín nhiệm này, việc tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây bởi nỗ lực giảm nợ, cầu trong nước giảm. Do đó việc tăng cường sáp nhập ngân hàng sẽ giúp các nhà băng còn lại mở rộng thị phần của mình, và đặc biệt là sẽ khiến các nhà băng này sẵn sàng cho vay nhiều hơn.
Một số thương vụ sáp nhập ngân hàng có khả năng diễn ra trong thời gian tới có thể kể đến: VietinBank và PGBank, Sacombank và Ngân hàng Phương Nam.
Các ngân hàng lớn hơn về quy mô sẽ giúp tăng cường nâng cao hiệu quả hoạt động, mặc dù việc sáp nhập các ngân hàng lại với nhau cũng có thể tạo ra những nguy cơ, rủi ro trong quá trình thực hiện.
Moody’s cũng cho rằng, Thông tư 36 chính thức có hiệu lực từ 1/2/2015 với quy định giới hạn sở hữu chéo tối đa là 5% tại nhiều nhất là 2 tổ chức tín dụng cũng sẽ giúp thúc đẩy thanh lọc số ngân hàng không phù hợp hoặc buộc các nhà băng này phải thoái vốn hoặc tham gia vào quá trình mua bán – sáp nhập.
Khánh Nhi
Moody