CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán ITA) vừa tiếp tục có công văn đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) cho phép ITA tạm hoãn công bố BCTC kiểm toán năm 2023, BCTN năm 2023, BCTC soát xét bán niên năm 2024.
Theo ITA, ngày 24/6, Công ty đã có công văn phúc đáp văn bản số 3619/UBCK-GSĐC ngày 7/6 của Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước để giải trình chứng minh lý do bất khả kháng, nhưng đến nay Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước vẫn chưa phản hồi cho Tân Tạo. Trong khi đó, HoSE vẫn ban hành quyết định số 414/QĐ- SGDHCM ngày 9/7 đưa cổ phiếu ITA vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 16/7.
Trong tất cả các văn bản gửi cho Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước và HoSE, Tân Tạo khẳng định đã giải trình rất rõ và chi tiết lý do bất khả kháng mà suốt nhiều tháng nay. Chi tiết, dù Công ty đã nỗ lực hết sức liên hệ làm việc và thuyết phục tất cả các đơn vị kiểm toán (30 công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán năm 2023) nhưng tất cả các công ty kiểm toán này đều từ chối.
Nguyên nhân chính theo phía Tân Tạo là do Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước đã đình chỉ tư cách kiểm toán 4 kiểm toán viên đã thực hiện kiểm toán BCTC cho Tân Tạo năm 2021, 2022 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023.
"Công ty Tân Tạo vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thuyết phục các công ty kiểm toán để thực hiện BCTC kiểm toán năm 2023, BCTC soát xét bán niên năm 2024. Về việc có tìm được đơn vị kiểm toánhay không còn phụ thuộc vào những hành động thể hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi, lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư của Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước và HoSE", văn bản nêu.
Về Tân Tạo, Công ty từng là một trong số các đơn vị làm bất động sản khu công nghiệp lớn tại Việt Nam. Tân Tạo được thành lập năm 1993, chủ tịch HĐQT là bà Đặng Thị Hoàng Yến. Bà Yến sinh năm 1959, tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM, từng là một doanh nhân rất nổi tiếng, 3 năm liền thuộc top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2008 - 2010.
Tuy nhiên, từ năm 2012, Tân Tạo gặp biến cố lớn do tác động của nền kinh tế khiến cho giá cổ phiếu ITA giảm còn 1/10 so với thời điểm niêm yết năm 2006. Cũng kể từ đây, bà Yên hoàn toàn "mất tích" trong các kỳ đại hội cổ đông của công ty, mỗi lần với một lý do khác nhau.
Sau 8 năm vắng bóng, năm 2021 bà Yến đột ngột xuất hiện tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Tân Tạo thông qua hình thức trực tuyến. Sau thời điểm này, bà Yến xuất hiện thường xuyên hơn và sau đó đổi tên thành Maya Dangelas.
2021 cũng là năm Chủ tịch tuyên bố sẽ đưa Tân Tạo quay lại thời hoàng kim, một trong những động lực chính là đẩy mạnh kinh doanh bên Mỹ. Dù vậy, theo BCTC kiểm toán năm 2022, Tân Tạo lỗ lớn hơn 260 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả sụt giảm mạnh, Tân Tạo cho biết nguồn cơn chủ yếu do giảm doanh thu đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và Tập đoàn thu hồi đất Kiên Lương của CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo do nguyên nhân bất khả kháng. Buộc doanh nghiệp phải thanh lý Hợp đồng thuê đất dài hạn xây dựng Trung tâm Điện lực Kiên Lương, dẫn đến doanh nghiệp phải giảm trừ doanh thu hơn 2.142 tỷ đồng. Cụ thể:
- Theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tưởng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2022 có xét đến 2023, "dự án Kiên Lương 1 bị loại bỏ không nằm trong danh mục các dự án nguồn điện vào vận hành năm 2016-2030".
- Ngày 13/6/2016, Tổng cục Năng Lượng - Bộ Công Thương đã có văn bản thông báo "Dự án Kiên Lương 1 không có trong danh sách các dự án sẽ vận hành trước năm 2030. Vì vậy, Tổng cục Năng lượng không có cơ sở để tiếp tục triển khai".
- Dự án Kiên Lương 1 bị Thủ tướng Chính phủ loại khỏi danh sách các dự án sẽ vận hành trước năm 2030 nên CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) và Tân Tạo không có cơ sở triển khai dự án, đây là trường hợp bất khả kháng theo hợp đồng.
Luỹ kế cả năm 2022, Tân Tạo ghi nhận âm kỷ lục hơn 1.576 tỷ đồng doanh thu thuần (các khoản giảm trừ doanh thu trên 2.150 tỷ đồng). Lỗ ròng hơn 179 tỷ đồng, lỗ trước thuế 218 tỷ đồng.
Tri Túc
An ninh tiền tệ