MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

THÔNG TIN CÔNG TY

Thứ 6, 22/03/2024, 00:02
GIL

 Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE)

Giá hiện tại: GIL 32.2 +0.2(+0.63%) Biểu đồ GTGD và KLGD trong 1 tháng Thông tin tài chính Hồ sơ công ty GDCĐ lớn & CĐ nội bộ Facebook message
Cuộc chiến pháp lý với gã khổng lồ Amazon chưa ngã ngũ, một doanh nghiệp dệt may trên sàn chứng khoán rẽ hướng sang làm bất động sản KCN, thu 10 đồng lãi 6
Cuộc chiến pháp lý với gã khổng lồ Amazon chưa ngã ngũ, một doanh nghiệp dệt may trên sàn chứng khoán rẽ hướng sang làm bất động sản KCN, thu 10 đồng lãi 6

Đi cùng kỳ vọng ngành dệt may đã tạo đáy, BSC đánh giá cao mảng BĐS khu công nghiệp của doanh nghiệp này và xem đây là động lực tăng trưởng chính trong năm 2024.

Trái ngược với xu hướng bán ròng triền miên của khối ngoại trên sàn chứng khoán, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn đang không ngừng chảy vào Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/2/2024 đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Khi lượng tiền này vào nền kinh tế, các khu công nghiệp được xem như "thỏi nam châm" hút vốn mạnh nhất. Nắm bắt xu hướng này, không chỉ những "ông trùm" bất động sản mà ngày càng nhiều những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác đang rẽ ngang sang đẩy mạnh đầu tư đất khu công nghiệp và dần thu về thành quả. Một trong số đó có thể kể tới là Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL) - một doanh nghiệp tên tuổi trong nhóm dệt may.

Lần đầu tiên mảng bất động sản công nghiệp ghi nhận doanh thu

Quý 4/2023 vừa qua, lần đầu tiên Gilimex ghi nhận nguồn thu từ mảng khu công nghiệp với gần 15 tỷ đồng. Giá vốn 8,6 tỷ đồng tương ứng lãi gộp hơn 6 tỷ, biên lợi nhuận gộp xấp xỉ 59% - mức tương đối cao.

Untitled.png

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2023 của Gilimex

Tính tới thời điểm hiện tại, Gilimex đang tiến hành đầu tư thành lập các khu công nghiệp tại các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Trong đó, Khu công nghiệp Phú Bài 4 nằm ở Tỉnh Thừa Thiên Huế có quy mô khoảng 460,85 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2614 tỷ đồng. Tới cuối năm 2023, công ty tiếp tục đầu tư thêm 109 tỷ đồng, nâng tổng tồn kho tại dự án này lên gần 291 tỷ đồng. Khả năng cao doanh thu KCN của Gilimex nhờ bắt đầu vận hành và ghi nhận doanh thu từ dự án này ngay trong những tháng cuối năm 2023.

Ngoài ra, khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long (diện tích khoảng 400 ha) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang triển khai. Dự án đã có dấu hiệu khởi công từ nửa cuối năm 2023, khi tồn kho cho dự án tính tới cuối năm 2023 đã tăng thêm gần 7 tỷ đồng.

Đặc biệt, công ty cũng hướng tới hoạt động đồng bộ khu công nghiệp. Ngay đầu năm 2024, Gilimex đã tổ chức lễ khởi công Trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Gilimex tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế có công suất 7.600 m3/ngày đêm; tổng mức đầu tư 130 tỷ, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành từ tháng 12/2024. Dự án nằm trong kế hoạch phát triển tổng thể hạ tầng đồng bộ của KCN Gilimex nhằm mang đến một KCN hiện đại, xanh, sạch, phát triển bền vững. Đây cũng là tiền đề để Gilimex cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng thuê đất khu công nghiệp trong thời gian tới.

Mảng dệt may điêu đứng sau "cú đấm" của Amazon

Gilimex thường được liệt kê trong nhóm ngành dệt may do đây là mảng mang lại toàn bộ doanh thu cho Gilimex những năm trước đây, lên tới hàng nghìn tỷ mỗi năm. Tình hình bất ngờ trở nên khó khăn sau khi Gilimex khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC vào cuối năm 2022 do vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận.

Cụ thể, kể từ quý 3/2022, kết quả kinh doanh Gilimex lao dốc do khách hàng lớn nhất là Amazon cắt đơn hàng. Doanh thu quý 3 khi đó giảm đến trên 80%, đưa doanh thu cả năm 2022 giảm 24%, lợi nhuận cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng – chi phí quản lý doanh nghiệp) bốc hơi 97% xuống còn 12 tỷ đồng.

Sang tới 2023, lãi ròng của Gilimex tiếp tục giảm tới 92% và dòng tiền kinh doanh ghi nhận mức âm kỷ lục (-319 tỷ đồng).

cfw.png

Việc quá phụ thuộc vào một khách hàng lớn khiến doanh nghiệp ngành dệt may này trở tay không kịp. Amazon từng được xem là "người hùng" của Gilimex khi trở thành đối tác chính từ năm 2014 giữa bối cảnh giai đoạn dịch bệnh và thương mại điện tử bùng nổ. Gilimex sau đó đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất nhằm xây dựng kho chứa hàng hóa, tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị sản phẩm hàng năm, thậm chí từ chối các khách hàng lớn khác như IKEA, Columbia Sportswear và di dời các cơ sản sản xuất, đóng gói. 

Cục diện xoay chiều khi Amazon đột ngột "thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến" trong thời gian còn lại của năm 2022-2023, Gilimex ngay lập tức gặp tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô. Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Gilimex đạt 3.359 tỷ đồng, giảm 16% so với hồi đầu năm. Có tới hơn 40% tổng tài sản là hàng tồn kho của công ty Gilimex, giá trị đạt 1.364 tỷ đồng. Đáng chú ý là công ty chưa trích lập dự phòng giảm giá tồn kho mặc dù một lượng lớn hàng tồn kho dành phục vụ sản xuất cho đơn hàng đã bị huỷ của Amazon.

Mặt khác, cũng phải nói tới bối cảnh khó khăn chung của ngành dệt may khi nhu cầu giảm mạnh, đơn hàng thiếu hụt ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Gilimex cũng không nằm ngoài xu hướng này. Doanh nghiệp thậm chí phải cắt giảm một nửa nhân viên, từ 1.818 người hồi đầu năm xuống còn 968 người vào cuối năm 2023.

photo-1710929682204

Kỳ vọng hồi phục mạnh với điểm sáng bất động sản khu công nghiệp, giá cổ phiếu gấp rưỡi từ đầu năm

Nhanh chóng rẽ hướng tìm con đường mới cộng thêm bối cảnh chung của ngành dần hồi phục, những tín hiệu tươi sáng hơn đang tới với Gilimex trong năm 2024. Chứng khoán BSC trong báo cáo mới nhất cho rằng lượng đơn hàng ngành dệt may nói chung và đơn hàng của GIL kỳ vọng phục hồi trong năm 2024 nhờ áp lực hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu chính đã giảm.

Theo BSC, hàng tồn kho nói chung đã giảm do các nhãn hàng tập trung xử lý đẩy tồn kho. Bản thân hàng tồn kho các khách hàng của Gilimex cũng đã giảm mạnh. Hiện GIL đang phục vụ 3 khách hàng chính là Ikea Supply AG (chiếm 55% giá trị đơn hàng), Helinox Inc (chiếm 37%) và Ballard Design (chiếm 5%). Trong đó, hàng tồn kho của IKEA đã giảm 24% so với cuối năm 2022. Từ đó kỳ vọng đơn hàng sẽ phục hồi khoảng 20% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu tiêu thụ tại Hàn Quốc, Mỹ, và EU nói chung phục hồi.

Bên cạnh đó, BSC đánh giá cao mảng BĐS KCN của doanh nghiệp này trong đó KCN Gilimex Huế sẽ là động lực tăng trưởng chính. BSC kỳ vọng Gilimex có thể bàn giao thêm 20 ha trong năm 2024, tương ứng doanh thu mảng khu công nghiệp khoảng 360 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 179 tỷ đồng tương ứng biên lợi nhuận gộp 50%. BSC ước tính giá trị dự án KCN Gilimex – Huế là 940 tỷ đồng với giá bán dự án 1,7 triệu đồng/m2, tăng trưởng 2%/năm, sản lượng bán hàng 20 – 30 ha/năm trong giai đoạn 2025-2034.

Dài hạn hơn, tiềm năng tăng trưởng của Gilimex đến từ KCN Gilimex Vĩnh Long, Gilimex Đồng Tháp và Gilimex Quảng Ngãi. Với tiến độ như hiện tại, BSC kỳ vọng Gilimex bắt đầu bàn giao dự án KCN Gilimex Vĩnh Long sớm nhất vào cuối năm 2026.

Screen Shot 2024-03-20 at 00.09.14.png

Tuy nhiên, rủi ro dễ thấy đối với Gilimex liên quan tới hàng tồn kho liên quan với Amazon giá trị 800 tỷ đồng. Phần hàng tồn kho này là các sản phẩm đặc thù, chỉ dùng cho Amazon và hiện công ty chưa trích lập dự phòng do chờ kết quả tòa án về vụ kiện với Amazon.

Trong trường hợp thắng kiện, BSC cho rằng công ty có thể nhận được bồi thường 280 triệu USD, tương đương khoảng 6.580 tỷ VNĐ. Trong thực tế, số tiền nhận bồi thường có thể sẽ thấp hơn. Song nếuthua kiện, GIL có thể sẽ phải trích lập dự phòng hàng tồn kho 800 tỷ đồng.

Tựu chung lại, BSC dự phóng Gilimex có thể ghi nhận doanh thu thuần năm 2024 đạt 1.466 tỷ đồng và lãi ròng 113 tỷ, lần lượt tăng 57% và 310% so với cùng kỳ năm trước, tương đương EPS FWD 2024 ở mức 1.667 đồng/cp, P/E FWD 2024 khoảng 23 lần.

fa.png

Trên thị trường, cổ phiếu GIL giao dịch khởi sắc từ đầu năm 2024 tới nay. Thị giá liên tục bứt phá lên vùng đỉnh giá 18 tháng khi chạm mốc 38.300 đồng/cp (chốt phiên 15/3). Tới nay giá GIL điều chỉnh đôi chút, đóng cửa phiên 21/3 đạt 38.150 đồng/cp, tăng gấp rưỡi sau chưa đầy 3 tháng.

photo-1711013554202

 

Phương Linh

Các tin khác
GIL: Thông báo tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2024
GIL: Nghị quyết HĐQT thông qua tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên 2024
GIL: Đính chính BCTC riêng kiểm toán năm 2023
GIL: Cổ đông Lê Anh Thư đã mua 220.000 cp, trở thành CĐL từ 8.4.2024
GIL: Cổ đông Lê Anh Thư đã bán 25.000 cp, không còn là CĐL từ 21.3.2024
GIL: Giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế năm 2023 so với năm 2022
GIL: Giải trình BCTC năm 2023 sau kiểm toán
GIL: Thông báo mua lại cổ phiếu
GIL: Nghị quyết HĐQT về việc thu hồi cổ phiếu ESOP 2019 và 2022
GIL: 5.4.2024, ngày GDKHQ tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2024
(*) Lưu ý: Dữ liệu được tổng hợp từ các nguồn đáng tin cậy, có giá trị tham khảo với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro nào do sử dụng các dữ liệu này.