Những ngày gần đây, loạt sự kiện liên quan đến các trường đại học gây chú ý dư luận. Ngành giáo dục nói chung và phân khúc Đại học nói riêng đang là thị trường “béo bở” được nhiều tập đoàn đầu tư. Thị trường này theo đó nhộn nhịp và cũng không kém phần thị phi.
Theo quy định mới nhất 3 công khai, các trường đại học phải công bố tình hình tài chính và cho thấy con số doanh thu “bỏ túi” hàng năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng, ngang ngửa các đơn vị kinh doanh trong 2 mảng được ví “tứ trụ” là bất động sản và tài chính.
Được biết, doanh thu của các trường đại học đến từ 4 nguồn: ngân sách, học phí và lệ phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và nguồn khác (tài trợ từ doanh nghiệp, mạnh thường quân...).
Trong số đó, học phí đóng góp tỷ lệ lớn nhất trong tổng thu. Đơn cử, tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, học phí chiếm khoảng 90,3% tổng nguồn thu, con số này ở Đại học Bách khoa Hà Nội là 79,5%; Kinh tế Tp.HCM là 66,6%...
CLB ngàn tỷ “gọi tên” 9 trường đại học, có Văn Lang đang dẫn đầu
Thống kê trong năm 2022, có đến 9 trường thuộc câu lạc bộ doanh thu ngàn tỷ.
Dẫn đầu là Đại học Văn Lang có doanh thu cao nhất năm 2022 với 1.758 tỷ đồng. Đại học Văn Lang là một trong những đại học tư mới nổi những năm gần đây, đồng thời là "mắc xích" quan trọng tròn hệ sinh thái của ông Nguyễn Cao Trí.
Thành lập từ năm 1995, theo thông tin từ Văn Lang, nhà trường đã lần đầu tiên góp mặt trong bảng xếp hạng đại học Châu Á của Quacquarelli Symonds (QS), một trong ba tổ chức xếp hạng đại học có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Theo đó, trường Văn Lang đạt xếp hạng 117 tại Đông Nam Á, top 701 - 750 trường đại học tốt nhất châu Á năm 2024.
Kế đến là Đại học Kinh tế Tp.HCM với hơn 1.443 tỷ đồng . Top 3 thuộc về Trường Đại học FPT đạt gần 1.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có 6 đại học khác nằm trong câu lạc bộ doanh thu nghìn tỷ, tăng mạnh với báo cáo số liệu năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, 5 trường công lập gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Kinh tế TpHCM, Tôn Đức Thắng, Kinh tế quốc dân và Cần Thơ; 4 trường tư thục gồm Đại học Văn Lang, FPT, Nguyễn Tất Thành và Công nghệ TpHCM.
Đại học Kinh tế quốc dân chưa công khai con số chính thức nhưng dự tính đạt 1.061 tỷ đồng. Năm ngoái, trường đã đạt hơn 1.087 tỷ đồng.
Nhiều trường có doanh thu tiệm cận nghìn tỷ, có thể kể đến như Đại học Y Dược Tp.HCM (985 tỷ đồng), Hoa Sen (hơn 918 tỷ), Quốc tế Hồng Bàng (886 tỷ), Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM (785 tỷ), Công nghiệp Hà Nội (hơn 751 tỷ), Ngoại thương (hơn 750 tỷ).
RMIT và BUV: Phân khúc "hoàng gia" với học phí hơn 1 tỷ đồng/kỳ
Nhắc đến học phí, không thể bỏ qua những ngôi trường "mơ ước" với mức học phí lên đến hàng tỷ đồng/kỳ, gồm RMIT (The Royal Melbourne Institute of Technology - Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne) và BUV (British University Vietnam - Đại Học Anh Quốc Việt Nam).
Theo website chính thức của trường RMIT Việt Nam, học phí toàn bộ chương trình đại học dao động 955 triệu - 1,2 tỷ đồng. Với mức học phí cao cùng số lượng sinh viên nhập học gia tăng, doanh thu năm 2022 của RMIT đạt 186,7 triệu USD, tương đương 4.300 tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2021), theo báo cáo thường niên 2022.
Đối với BUV, mức học phí để hoàn thành chương trình học dao động 650 triệu - 1 tỷ đồng, thấp hơn so với RMIT Việt Nam. Cụ thể, chương trình học được cấp bằng bởi trường ĐH London có học phí là 1 tỷ đồng/3 năm. Tuy nhiên chương trình học này chỉ dành cho khối ngành quản trị và kinh doanh.
Ngoài ra, chương trình học được cấp bằng bởi BUV có mức thấp nhất, dao động khoảng 650 triệu đồng/4 năm. Mức học phí trên chỉ dành cho chương trình cử nhân đại học, không bao gồm chương trình dự bị đại học hay tiếng Anh cho đại học.
Nhiều nhà đầu tư trên thế giới đã “để mắt” đến mảng giáo dục Việt Nam
Về tiềm năng của thị trường, trong chia sẻ đầu năm qua, Giáo sư Raymond Gordon - Hiệu trưởng trường đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) cho biết: “Tại châu Á, Việt Nam được xem như viên ngọc quý về những cơ hội đầu tư trong giáo dục". Và nhiều nhà đầu tư trên thế giới đã sớm “để mắt” đến Việt Nam. Thống kê cho thấy FDI vào giáo dục trong giai đoạn từ tháng 8/2019 đến tháng 10/2019 đã đạt 97 triệu USD. Các hoạt động M&A, cụ thể là mua cổ phiếu trong lĩnh vực giáo dục chiếm 37% trong tổng vốn FDI giai đoạn này.
Những con số trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến chiến lược hợp tác trong đầu tư giáo dục. Xu hướng hút vốn ngoại vào thị trường giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, trong đó xu hướng hợp tác là chiến lược then chốt.
Trong một báo cáo khác, ngành giáo dục Việt Nam hứa hẹn sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với trị giá lên đến 89 tỷ USD vào năm 2026. Khi quy mô và lợi nhuận đủ lớn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang mạnh tay rót vốn ngàn tỷ cho các trường đại học.
Tri Túc
Nhịp sống thị trường