MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

THÔNG TIN CÔNG TY

Thứ 7, 20/07/2024, 17:21
FPT

 Công ty Cổ phần FPT (HOSE)

Giá hiện tại: FPT 124.1 -1.9(-1.51%) Biểu đồ GTGD và KLGD trong 1 tháng Thông tin tài chính Hồ sơ công ty GDCĐ lớn & CĐ nội bộ Facebook message
"Ván cược lịch sử" đầu tiên của FPT trước AI: Đi vay ngân hàng 1 triệu USD vào năm 1998 để theo đuổi "trận chiến mới", sang Ấn Độ để tìm "chân kinh"
"Ván cược lịch sử" đầu tiên của FPT trước AI: Đi vay ngân hàng 1 triệu USD vào năm 1998 để theo đuổi "trận chiến mới", sang Ấn Độ để tìm "chân kinh"

"Chúng ta sẽ đặt cược tất cả tương lai của mình vào AI!", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình mới đây tuyên bố. Đây được coi là chiến lược quan trọng thứ 2 trong lịch sử Tập đoàn. 26 năm trước, FPT đã tập hợp "Hội nghị Diên Hồng" tại Hải Phòng để bàn bạc về "trận chiến mới", "sứ mạng của FPT".

"Năm 1998, chúng ta có chiến lược xuất khẩu phần mềm. Tôi từng nói với anh Bình rằng đó là một quyết định quan trọng nhất, có giá trị nhất trong lịch sử FPT. Giờ đây, có thể nói đặt cược vào AI là chiến lược quan trọng tiếp theo trong suốt lịch sử FPT", ông Đỗ Cao Bảo - Uỷ viên HĐQT FPT – chia sẻ trên trang thông tin nội bộ FPT Chungta.vn.

1 triệu USD cho giấc mơ xuất khẩu phần mềm

Theo cuốn "Sử ký FPT 35 năm", từ ngày 26-27/9/1998, một hội nghị quy tụ những nhân vật trọng yếu nhất của FPT đã được tổ chức tại Đồ Sơn (Hải Phòng) với tên gọi "Hội nghị Diên Hồng" - Hội nghị Chiến lược đầu tiên của FPT sau 10 năm thành lập.

"Ván cược lịch sử" đầu tiên của FPT trước AI: Đi vay ngân hàng 1 triệu USD vào năm 1998 để theo đuổi "trận chiến mới", sang Ấn Độ để tìm "chân kinh"- Ảnh 1.

Ảnh: FPT.

Hai tuần trước hội nghị, ông Trương Gia Bình đã chuẩn bị báo cáo "10 năm Công nghệ FPT", dùng hàng loạt từ ngữ đầy hào hùng để mô tả định hướng xuất khẩu phần mềm như "trận chiến mới", "mặt trận chính", "sứ mạng của FPT"…

Để tăng tính thuyết phục, ông Bình đưa ra mục tiêu khá rõ ràng: Doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT đạt 50 triệu USD vào năm 2000 và 10 triệu USD vào năm 2005; FPT trở thành tập đoàn công nghệ đại chúng tầm cỡ khu vực vào năm 2005, toàn cầu hóa vào năm 2010.

Sau hai ngày, 100% đại biểu đã thể hiện quyết tâm xuất khẩu phần mềm với số tiền đầu tư 1 triệu USD trong vòng 2 năm. Con số 1 triệu USD này được tính toán trên cơ sở: FPT sẽ có 100.000 lập trình viên, mỗi lập trình viên tốn 5.000 USD/năm, 2 năm con số là 1 triệu USD, bằng tổng vốn liếng của FPT tích lũy được trong 10 năm (1988-1998). Để có số tiền này, FPT đã đi vay của Ngân hàng BIDV.

"Nếu hết 1 triệu USD vẫn chưa có đường ra thì giải tán", ông Đỗ Cao Bảo hồi tưởng lại thời điểm đó.

Hai tháng sau Hội nghị Chiến lược, lãnh đạo FPT lên đường sang Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu phần mềm lớn nhất thế giới, trong đó thành phố Bangalore được coi là "thánh địa" của các lập trình viên, để tìm "chân kinh".

"Chân kinh" thứ nhất được tìm thấy sau chuyến đi là thay vì xuất khẩu sản phẩm đóng gói sang các nước láng giềng, cần gia công phần mềm cho thị trường Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản. Thứ hai, cần chuyển phát triển phần mềm từ sản xuất thủ công sang sản xuất công nghiệp, tức là theo quy trình ISO hoặc C MM.

Tháng 12/1999, ông Trương Gia Bình phát động cuộc chiến chinh phục "mục tiêu 528": 5.000 lập trình viên, 200 triệu USD doanh thu và 8 tỷ USD giá trị vốn hóa (theo P/E tại thời điểm đó). Cũng từ đây, FPT dốc mọi lực lượng để bắt đầu cho cuộc chiến xuất khẩu phần mềm, đưa trí tuệ Việt vươn ra ngoài biên giới.

"Ván cược lịch sử" đầu tiên của FPT trước AI: Đi vay ngân hàng 1 triệu USD vào năm 1998 để theo đuổi "trận chiến mới", sang Ấn Độ để tìm "chân kinh"- Ảnh 2.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tại một sự kiện hồi năm 2022. Ảnh: VGP.

Thất bại tại Ấn Độ và Mỹ, tìm thấy "long mạch" ở Nhật Bản

Ấn Độ là nơi FPT lựa chọn để đặt bước chân đầu tiên ra thế giới. Ông Phạm Minh Tuấn – Tổng Giám đốc FPT Software khi đó cho biết người FPT có niềm tin rằng "Ấn Độ là cái chợ phần mềm, và cứ ra chợ đứng thì kiểu gì cũng kiếm được người mua". Bên cạnh đó, các lãnh đạo FPT cho rằng số lượng lập trình viên khổng lồ tại Ấn Độ có thể giúp giải quyết vấn đề nhân sự khi số dự án tăng lên.

Ngày 23/11/1999, FPT công bố thành lập FPT India, trụ sở văn phòng đóng tại Bangalore – nơi tập trung số lập trình viên đông nhất thế giới. Tuy nhiên, sau gần 1 năm có mặt tại Ấn Độ, việc kinh doanh không thuận lợi như kế hoạch ban đầu. Năm 2000, chi nhánh FPT India chuyển thành văn phòng đại diện và đóng cửa một thời gian ngắn sau đó vì không có hợp đồng phần mềm nào.

Tiếp sau Ấn Độ là Mỹ. Sau chuyến khảo sát vào tháng 6/1999, ông Trương Gia Bình nhận thấy tiềm năng vô hạn của thị trường này và quyết định "Mỹ tiến". Tháng 2/2000, Giám đốc FPT USA khi đó là Henry Hùng mở văn phòng FPT tại Thung lũng Silicon.

Tháng 3/2000, FPT giành được hợp đồng đầu tiên tại Mỹ trị giá 80.000 USD. Vài tháng sau, FPT USA cũng đã ký được một số hợp đồng trị giá 300.000 USD, chủ yếu liên quan đến phát triển chương trình trên Internet dưới nhiều ứng dụng như trường học, nhà hàng, chợ điện tử…

Tuy nhiên, một sự kiện bất ngờ xảy ra vào năm 2000: Cuộc khủng hoảng của các công ty dot-com xóa sổ phần lớn đối tác tiềm năng của FPT USA. Sau nhiều nỗ lực cứu vãn tình hình, văn phòng FPT USA cuối cùng vẫn phải đóng cửa.

Thất bại ở Ấn Độ và Mỹ đầu những năm 2000 đã làm đảo lộn kế hoạch xuất khẩu phần mềm của FPT. Các lãnh đạo Tập đoàn quyết định quay sang thị trường Nhật Bản và may mắn gặp được ông Nishida - Nguyên Giám đốc điều hành Tập đoàn Sumimoto. Vị này đã đưa ra nhiều lời khuyên và tận tình sắp xếp cho lãnh đạo FPT gặp gỡ các công ty hàng đầu của Nhật Bản như NTT, Sumimoto, Toshiba, Mitsubishi…

"Ván cược lịch sử" đầu tiên của FPT trước AI: Đi vay ngân hàng 1 triệu USD vào năm 1998 để theo đuổi "trận chiến mới", sang Ấn Độ để tìm "chân kinh"- Ảnh 3.

Thành lập Công ty TNHH FPT Software Japan năm 2005. Ảnh: FPT.

Tháng 12/2000, FPT đã ký được hợp đồng phần mềm đầu tiên với khách hàng Nhật Bản là NTT-IT. Thành công này là một bất ngờ lớn làm thay đổi hoàn toàn chiến lược tiếp thị của FPT. Tới tháng 4/2003, FPT tiếp tục ký thỏa thuận hợp đồng gia công phần mềm với 5 công ty Nhật, trong đó có 3 công ty lớn là Hitachi, NTT và NEC.

Nhật Bản dần trở thành thị trường lớn nhất và quan trọng nhất của FPT với mức tăng trưởng cao từ 30-50%. Giai đoạn 2005-2008, FPT Japan thậm chí phát triển với tốc độ 70-100%.

"Hiện nay, xuất khẩu phần mềm của FPT đã đạt 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất và có tăng trưởng cao nhất trong FPT", ông Đỗ Cao Bảo cho biết, nói thêm rằng trong những năm tới công nghệ AI sẽ đóng góp lớn nhất vào kết quả kinh doanh, tăng trưởng của FPT.

"Thành bại của FPT phụ thuộc vào việc có thành công với AI hay không", vị doanh nhân chia sẻ.

Theo Minh Anh

An ninh tiền tệ

Các tin khác
"Ván cược lịch sử" đầu tiên của FPT trước AI: Đi vay ngân hàng 1 triệu USD vào năm 1998 để theo đuổi "trận chiến mới", sang Ấn Độ để tìm "chân kinh"
FPT: Báo cáo kết quả kinh doanh Q2/2024
FPT báo lãi ròng quý 2 tăng trưởng 24%, doanh thu vượt mức 1 tỷ USD sau 6 tháng
FPT: 19.7.2024, niêm yết bổ sung 190.479.191 cp
FPT: Nghị quyết HĐQT số 01.07 ngày 15/07/2024
Cổ phiếu FPT miệt mài vượt đỉnh, tài sản của ông Trương Gia Bình và hai "công thần" tăng gần 8.000 tỷ từ đầu năm
Ông Đỗ Cao Bảo: Nhờ có AI, FPT và Việt Nam đang có lần đầu cùng điểm xuất phát với các quốc gia trên thế giới
Làm một điều đặc biệt đến 33 lần từ đầu năm, giá trị tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam lần đầu vượt mốc 200.000 tỷ
FPT: Thông báo thay đổi giấy chứng nhận ĐKDN lần thứ 57
Chủ tịch Trương Gia Bình: "Uy tín thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu FPT"
(*) Lưu ý: Dữ liệu được tổng hợp từ các nguồn đáng tin cậy, có giá trị tham khảo với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro nào do sử dụng các dữ liệu này.