Không hẹn cùng gặp, cả 3 doanh nghiệp này đều có xuất phát điểm và trải qua chặng đường phát triển tương đối giống nhau.
HOÀNG ANH GIA LAI (mã CP: HAG)
Khởi nghiệp từ năm 1990, HAG tiền thân là xưởng nhỏ đóng bàn học cho học sinh. Năm 1993, Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh được thành lập. Trong năm này, doanh nghiệp khánh thành nhà máy chế biến gỗ nội thất và ngoài trời tại Gia Lai.
Từ gỗ, HAGL nhanh chóng mở rộng sang các lĩnh vực khác như nhà máy chế biến đá granite, resort (Quy Nhơn, Đà Lạt), khách sạn, bất động sản, bóng đá,...
Đã có thời, bất động sản và các dự án kinh doanh của HAGL trải rộng khắp Đông Dương. Thời kỳ đỉnh cao, ông chủ Đoàn Nguyên Đức cũng từng trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ông là một trong những doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam mua máy bay riêng để phục vụ cho công việc.
Bắt đầu từ năm 2010, thị trường nhà đất lao đao khiến bầu Đức quyết định chuyển hướng kinh doanh. Năm 2012, Bầu Đức đưa ra một quyết định làm thay đổi sự nghiệp của ông và cả tập đoàn sau này, đó là rút khỏi thị trường bất động sản để dồn lực tập trung vào nông nghiệp.
HAG đầu tư nhiều lọai cây trồng, vật nuôi từ mía đường, thanh long, chuối, chanh dây, sầu riêng,... cho đến bò, gà, heo... Hiện nay, bầu Đức đã dừng chân ở chuối, sầu riêng và heo.
QUỐC CƯỜNG GIA LAI (mã CP: QCG)
Khời nguồn của Quốc Cường Gia Lai là Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường được thành lập năm 1994 với lĩnh vực kinh doanh chính là khai thác chế biến gỗ xuất khẩu, mua bán và xuất khẩu hàng nông lâm sản và cà phê, xuất nhập khẩu phân bón với hơn 500 lao động.
Năm 2005, QCG hợp tác với XNTD Hoàng Anh thành lập Công ty TNHH Xây dựng & Phát triển Nhà Hoàng Anh, từ đó bắt đầu bước chân vào lĩnh vực BĐS tại Tp.HCM, điển hình là 02 dự án Khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh 1 & 2 và đưa lĩnh vực này trở thành mảng kinh doanh chủ lực.
Ngày 21/03/2007, DN chính thức chuyển đổi thành CTCP Quốc Cường Gia Lai với vốn điều lệ 259 tỷ đồng.
Đến năm 2010, QCG được biết đến như một doanh nghiệp hoạt động với đa ngành nghề: các sản phẩm ván sàn, nội thất, xuất khẩu café, đầu tư dự án, đầu tư xây dựng căn hộ cao cấp, đất nền nhà phố, biệt thự, khu dân cư phức hợp, văn phòng cho thuê, trồng cao su, xây dựng thủy điện,...
Nguồn thu chủ yếu của công ty những năm gần đây đến từ BĐS và bán điện (dự án thủy điện).
ĐỨC LONG GIA LAI (Mã cổ phiếu: DLG)
Tiền thân của công ty là Xí nghiệp Tư doanh Đức Long được thành lập tháng 9/1995, với số vốn ban đầu là 3,6 tỷ đồng, sở hữu 9.700 m2 đất và một dây chuyền chế biến gỗ thủ công và bán tự động.
Sản phẩm chính của Công ty tại thời điểm đó là đồ gỗ nội thất, ván lót sàn và sản phẩm sân vườn. Sau 12 năm hoạt động, tới tháng 6/2007 Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai được thành lập với số vốn điều lệ là 270 tỷ đồng.
Năm 2010, thời điểm mới niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, riêng mảng kinh doanh gỗ sở hữu 150.000 m2 mặt bằng nhà xưởng, sân bãi; 4 nhà máy sản xuất cùng 7 dây chuyền chế biến gỗ hiện đại. Khi đó, công ty đã thành lập được hệ thống phân phối gỗ và đá gồm 15 đại lý trong nước, đồng thời phát triển 3 văn phòng đại diện tại Singapore, Nhật Bản và Mỹ.
3 ngành cốt lõi chủ yếu của ĐLG thời điểm đó được xác định là (i) chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; (ii) dịch vụ bến xe và bãi đỗ, xe buýt đô thị; (iii) khai thác chế biến đá granite tự nhiên.
Ngoài các ngành chính, ĐLG còn kinh doanh thương mại đa ngành nhiều mặt hàng như phân bón, xăng dầu, nông nghiệp....
Từ năm 2015, DLG tham gia vào mảng mới là bán linh kiện điện tử và đến nay mảng này đang là “trụ cột” chiếm hơn 90% tổng doanh thu. Ngoài ra, DN còn có mảng thu phí BOT, đang sở hữu 4 trạm thu phí trên tuyến QL14 và một số dự án thủy điện, điện tái tạo.
Từ đỉnh cao vinh quang đến gánh nặng nợ nần
Tin tức gần đây về việc Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai quyết định mở thủ tục phá sản với Đức Long Gia Lai khiến nhiều người không khỏi ngậm ngùi cho 1 thời quá khứ hoàng kim của đại gia phố núi này.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 13/10, DLG cho biết không chấp nhận quyết định này của Toà án. Công ty theo đó đã có đơn đề nghị xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản ngày 13/10/2023 gửi Toà án cấp cao tại Đà Nẵng, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai và Viện kiểm soát nhân dân tỉnh Gia Lai.
Phản hồi về đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Lilama 45.3, DLG cho biết Công ty đang gặp khó khăn tài chính tạm thời do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ năm 2020 - 2023, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga - Ukraine kéo dài chưa hồi kết,...
DLG cũng khẳng định trong văn bản rằng không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng; nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.
Khoản nợ của Lilama 45.3 rất nhỏ, chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty, hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của công ty. Do đó, công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.
Ngoài ra, doanh nghiệp cho biết đã làm việc, đưa ra lộ trình trả nợ và sẵn sàng trả nợ cho Lilama 45.3 sau khi hai bên thống thất lộ trình thanh toán, nhưng phía Lilama 45.3 chưa đồng ý.
Với Hoàng Anh Gia Lai, việc thu xếp với các chủ nợ, đặc biệt là các trái chủ có vẻ thuận lợi hơn. Mới đây, lô trái phiếu 300 tỷ đồng đến hạn ngày 30/9/2022 của HAG đã được điều chỉnh lùi kỳ hạn kéo dài thêm 2 năm chỉ 2 ngày trước khi đến hạn.
Bên cạnh đó, để có tiền trả nợ, HAGL đã có một số động thái cụ thể như:
- Công bố phương án thanh lý tài sản không sinh lợi. Cụ thể tài sản lần này gắn liền với khách sạn HAGL tại vị trí "đắc địa" tỉnh Gia Lai (số 1 Phù Đổng, Tp. Pleiku, Gia Lai). Số tiền cụ thể chưa được công bố nhưng dự kiến khi thu về sẽ được ưu tiên thanh toán cho lô trái phiếu tại BIDV phát hành năm 2016.
- Chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, 323 tỷ đồng sẽ dùng thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do HAG phát hành ngày 18/6/2012.
Trước đó, vào năm 2022, ông Đoàn Nguyên Đức từng thể hiện quyết tâm:“Tôi quyết tâm xóa hết để khỏi bị thị phi. Tôi là người rất có ý thức về nợ nần và sẽ trả hết nợ. Có thể nói không ai cảm nhận về nợ được như tôi, bởi tôi từng mắc nợ rất nhiều”.
Trong bộ tam, Quốc Cường Gia Lai vẫncòn trụ lại trong ngành BĐS và không mở rộng hay thử nghiệm quá nhiều những mảng kinh doanh mới.
Tuy nhiên chính điều này cũng khiến DN điêu đứng trong giai đoạn thị trường BĐS gặp khó. Sau năm 2017 lãi lớn gần 400 tỷ đồng, lợi nhuận của QCG giảm dần và còn dưới 100 tỷ đồng 4 năm trở lại đây.
Năm 2019, trong hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP.HCM, CEO Nguyễn Thị Như Loan chia sẻ QCG đang có 12 dự án bị ách tắc, không thể triển khai trên địa bàn thành phố với tổng quỹ đất lên tới 150 ha.
Phát biểu trong hội nghị, bà Như Loan bộc bạch:“Tôi rất khổ tâm. Nếu không vì cổ đông, không bị nợ ngân hàng, không vì 3.000 cán bộ nhân viên thì tôi đã tự tử. Tôi để lại di chúc, để lại tâm thư để làm sao Nhà nước có cách nào tháo gỡ cho doanh nghiệp”.
Tính đến cuối năm 2018, QCG có tổng cộng 6.894 tỷ đồng nợ phải trả, tuy nhiên số nợ vay ngân hàng chiếm tỷ trọng không lớn, ở mức 593 tỷ.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của QCG đạt hơn 9.900 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với thời điểm kết thúc năm 2021.
Nợ phải trả của doanh nghiệp chiếm hơn 5.600 tỷ đồng, trong đó hơn 660 tỷ đồng là các khoản phải trả cho công ty liên quan, vay lãnh đạo và người nhà lãnh đạo công ty.
Một sự kiện đáng chú ý trong năm nay là sau gần 3 năm khởi kiện liên quan đến Dự án Phước Kiển, QCG đã thắng kiện chủ nợ.
Theo đó, QCG công bố nhận được phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và quyết định bổ sung phán quyết về việc QCG khởi kiện CTCP Đầu tư Sunny Island liên quan đến dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM).
Phước Kiển là một dự án đáng chú ý nhất của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai về độ lớn và quy mô cũng như những lùm xùm kiện cáo trong thời gian dài.
Dự án Phước Kiển có diện tích 91,6 ha nằm tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Từ 2016, đã ký biên bản hợp tác thực hiện DA với Sunny Island và BCTC ghi nhận khoản phải trả Sunny Island trị giá 2.883 tỷ đồng cho khoản tiền nhận trước từ Sunny Island.
Theo Trọng Nghĩa
Nhịp sống thị trường