Ngày 09/01/2013, đại diện Cty CP Bình An (Bianfishco) đã mời đại diện một số hộ dân làm việc liên quan yêu cầu của nông dân đòi công ty chi trả lãi suất trên tổng số nợ quá hạn mà công ty đã chậm thực thi hợp đồng trong hơn 1 năm qua.
Đây là một yêu cầu hợp pháp của nông dân, nhưng cũng được dư luận đánh giá là… rất gian nan. Theo ước tính, nếu chấp thuận yêu cầu của nông dân, tổng số lãi mà công ty này phải chi trả lên đến hơn 17 tỷ đồng.
Khó khăn nên không trả lãi
13h30 phút ngày 09/01, theo nội dung thư mời, bà Nguyễn Thị Ngộ (hộ có công nợ lớn nhất: 37 tỷ đồng) đã có mặt tại trụ sở của Cty CP Bình An để làm việc về yêu cầu của bà buộc công ty này chi trả lãi suất do quá hạn thanh toán theo hợp đồng.
Hiện, chỉ riêng hộ bà Ngộ, tổng số lãi Cty Bình An phải thanh toán đã là hơn 5,7 tỷ đồng (trên tổng công nợ quá hạn 37 tỷ đồng tiền mua cá tra nguyên liệu). Trong khi đó, bên ngoài văn phòng công ty, hàng chục nông dân khác cũng đã kéo đến và đòi tiếp xúc đại diện công ty, để có câu trả lời chính thức về yêu cầu tương tự.
Phía Cty Bình An chỉ chấp nhận làm việc với bà Ngộ và đã từ chối tiếp xúc các hộ này và cho rằng sắp tới họ sẽ bố trí làm việc riêng từng người.
“Tại cuộc làm việc, bà Oanh - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Thủy sản Bình An và ông Hiệp - Kế toán trưởng mới của công ty đã liên tục từ chối yêu cầu của chúng tôi.
Họ cho rằng công ty Bình An đang khó khăn nên không thể chấp nhận trả lãi cho nông dân. Ngược lại họ muốn chúng tôi chia sẻ khó khăn với họ bằng cách… bỏ lãi!” – bà Ngộ cho biết. Theo bà, yêu cầu Cty trả lãi suất trên tổng công nợ quá hạn theo hợp đồng là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp.
Vì mức lãi suất ấy cũng là tương đồng mức lãi mà các ngân hàng đã tính với các hộ nông dân này khi chậm thanh toán vốn vay do bị Cty Bình An chiếm dụng tiền cá nguyên liệu.
Thạc sỹ - Luật sư Nguyễn Hồng Ngân (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật – Hội Luật gia Đồng Nai), người đại diện theo Pháp luật của các hộ dân, cũng cho biết: Tổng lãi suất của 9 hộ dân đang có đơn yêu cầu Luật sư hỗ trợ pháp lý là khoảng hơn 17 tỷ đồng.
Số lãi này được tính dựa trên mức lãi suất 1,75%, lấy trung bình lãi suất của các ngân hàng. Cá biệt trong số này có 2 hộ dân được bà Diệu Hiền (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Bình An) ký thỏa thuận riêng, trả 2% lãi suất quá hạn thanh toán hợp đồng từ thời điểm tháng 8/2011. Đó là hộ ông Tống Văn Quang (công nợ 2,2 tỷ) và ông Trần Văn Tho (công nợ 900 triệu).
LS Ngân chia sẻ: “Nông dân hiện đang khó khăn vì các khoản lãi vay phải gánh chịu hơn 1 năm qua là rất lớn. Nguyện vọng của bà con đều mong muốn Cty Bình An chia sẻ, để giải quyết đáp ứng sớm yêu cầu của họ, chứ không mong muốn tiếp tục kiện tụng nữa. Nhưng nếu không được chấp nhận, chúng tôi buộc phải xem xét khả năng khởi kiện Cty Bình An ra tòa lần nữa, để yêu cầu phía Cty chi trả lãi theo hợp đồng mua bán đã ký kết…”.
30 hộ miễn lãi
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, trong số 44 hộ dân mà Cty CP Bình An chiếm dụng tiền mua cá tra nguyên liệu kéo dài, gây dư luận bức xúc trong thời gian qua… có khoảng 30 hộ đã ký xác nhận miễn lãi cho công ty theo đề nghị của ông Trí – Nguyên Giám đốc công ty.
Các hộ còn lại, đa số đều có mặt tại công ty trong ngày 09/01 này, đều không chấp nhận ký biên bản thỏa thuận mà họ cho là “bị thiệt hại” này. Vì hầu hết họ đều đang rất khó khăn với những khoản lãi vay ngân hàng chồng chất. Họ mong muốn công ty thực hiện trách nhiệm của mình trong việc vi phạm hợp đồng và chia sẻ yêu cầu chính đáng của họ…
Tiếp xúc chúng tôi bên ngoài khu vực làm việc của Cty CP Bình An, các hộ dân ở đây đồng lòng cho biết: “Chúng tôi sẽ yêu cầu cho kỳ được. Nếu không, chúng tôi buộc phải tiếp tục phát đơn kiện Cty Bình An để họ phải chi trả lãi suất cho nông dân chúng tôi. Không thể lấy cái nguyên nhân khó khăn của công ty chung chung như vậy rồi vịt tiền lãi của chúng tôi được…!”.
Bà Huỳnh Thị Ngộ khẳng định: “Tiền vốn làm ăn của bà con nông dân chúng tôi cũng vay ngân hàng. Bán cá cho Cty Bình An xong là bị chiếm dụng luôn hơn cả năm nay rồi. Hiện chúng tôi cũng bị ngân hàng tính lãi phạt, lãi quá hạn; những hộ vay lãi cao bên ngoài còn bị chủ nợ siết tài sản, cho người đánh trọng thương...
Vậy những khó khăn đó của nông dân công ty không có trách nhiệm sao? Sao phải bắt chúng tôi gánh vác khó khăn của Cty trong khi chúng tôi là nạn nhân của vụ chiếm dụng vốn của lãnh đạo công ty này?”.
Bà Nguyễn Thị Xuân Vân (hộ dân có công nợ hơn 16 tỷ đồng), nói thêm: “Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của họ khi vi phạm hợp đồng mua bán với nông dân, chứ không có vấn đề gì là chia sẻ và thông cảm ở đây hết. Điều này được Pháp luật quy định và bảo vệ hẳn hoi, căn cứ đó mà thực hiện thôi. Nông dân đã khốn khổ lắm rồi, không thể chèn ép chúng tôi mãi như vậy được!”.
Các hộ dân cũng cho biết thêm, số nợ lãi suất này là rất lớn và nếu phía công ty tiếp tục từ chối trách nhiệm, nông dân sẽ lại tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn, bế tắc cho dù đã đòi được tiền vốn. Sau gần 2 năm bị chiếm dụng vốn như đã nói trên, mà chỉ lấy được vốn không có lãi… theo họ, coi như cuộc đòi nợ của nông dân đã thất bại.
Vì trong thời gian qua và thậm chí đến hiện nay, các ngân hàng và chủ nợ bên ngoài vẫn lần lượt tiến hành các thủ tục kê biên tài sản, bán phát mãi hoặc lấy ao nuôi – nhà cửa của nông dân… vì một số hộ không có khả năng thanh toán nợ lãi.
Sau cuộc làm việc ngày 09/01, phía lãnh đạo Cty CP Bình An vẫn chưa đưa ra có câu trả lời cụ thể nào về vấn đề yêu cầu trả lãi này. Còn cổ đông lớn nhất của Cty - Ngân hàng SHB, cũng không có bất cứ bình luận nào về yêu cầu chính đáng này của nông dân.
Theo Đại Việt
Báo Đất Việt