Ngày 14.3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét thuế chống bán phá giá lần thứ 8 (POR8) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam.
Ngược với kết quả sơ bộ được công bố lần 7 (POR7) vào tháng 9.2012, trong POR8, Mỹ chọn Indonesia thay Bangladesh làm nước thay thế để căn cứ tính toán mức thuế chống bán phá giá đối với các công ty Việt Nam.
Với mức thuế mới, 16 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ sẽ phải đóng mức thuế lên đến 20-45 lần so với mức thuế trước đây.
Oan cho cá tra
Nguyên nhân chính khiến Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế suất chống bán phá giá cao hơn vài chục lần đối với doanh nghiệp cá tra Việt Nam là do cơ quan này đã chọn Indonesia làm quốc gia tham chiếu để tính giá sản xuất cá tra thay vì Bangladesh như những lần trước. Kết quả là chi phí sản xuất cá tra được DOC ước tính cao hơn, do đó áp thuế chống bán phá giá cao hơn.
Tuy vậy, còn có một nguyên nhân gián tiếp khiến các nhà chức trách DOC thay đổi 180 độ: chính sách trợ cấp của Chính phủ Việt Nam. Tạp chí Doanh nghiệp vùng Mississippi, một nơi sản xuất cá da trơn quan trọng của Mỹ, đã có bài viết ca ngợi phán quyết vừa rồi của DOC.
“Nhiều năm nay, Mỹ đã từ chối áp đặt thuế quan lên các loại cá tra được chính phủ trợ cấp của Việt Nam - những sản phẩm được nhập khẩu vào Mỹ và bán với mức giá thấp hơn các sản phẩm nội địa. Phán quyết vừa rồi của DOC đã đánh dấu sự thay đổi trong chính sách”, bài báo viết.
Xuất phát từ lợi ích quốc gia cùng với việc chưa thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trợ cấp của chính phủ Việt Nam có thể được xem là một trong những nguyên nhân tác động đến các nhà chức trách DOC trong việc quyết định chọn Indonesia trong lần xem xét này.
Theo điều khoản gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, các khoản trợ cấp cho các sản phẩm xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp phải được loại bỏ hoàn toàn, điển hình là các khoản cho vay ưu đãi với lãi suất thấp. |
Kẻ khóc
Điều đáng nói là, thuế chống bán phá giá chỉ được xem xét sau khi lô hàng đã xuất vào Mỹ được một năm. Đồng nghĩa với việc, dù có tiếp tục xuất khẩu nữa hay không, Công ty Vĩnh Hoàn, Hùng Vương và 14 doanh nghiệp khác vẫn phải trả một khoản tiền tương đương với mức thuế DOC đưa ra.
Với mức thuế mới bị áp là 0,19 USD/kg, Vĩnh Hoàn phải mất 35% lợi nhuận của cả năm 2012. Lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn đã giảm từ 364 tỉ đồng năm 2011 xuống còn 198 tỉ đồng vào năm 2012. Nếu phải đóng thuế thì Vĩnh Hoàn phải mất thêm khoảng 3,5 triệu USD (73,3 tỉ đồng).
Như vậy, nếu tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ, Vĩnh Hoàn vừa phải trả khoản tiền thuế cho những lô hàng đã xuất đợt trước và phải đóng thêm một khoản tiền thế chấp tương đương với mức thuế mới.
Tương tự như Vĩnh Hoàn, lợi nhuận ròng của Công ty Cổ phần Hùng Vương trong năm 2012 đạt 302,3 tỉ đồng, giảm 27,65% so với năm 2011. Trong khi đó, lợi nhuận thuần đạt chưa tới 65% kế hoạch của Đại hội Cổ đông giao. Bây giờ, Hùng Vương cũng phải đóng một khoản tiền không nhỏ vì mức thuế của công ty này còn cao gấp 4 lần Vĩnh Hoàn.
Không chỉ có Vĩnh Hoàn và Hùng Vương, những doanh nghiệp mới mon men xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng lo lắng với quyết định này.
Vừa thoát khỏi những khó khăn, Công ty Thủy sản Bình An bắt đầu xuất khẩu trở lại. Vừa qua, Tổng Giám đốc Bình An, Nguyễn Tất Thắng cho biết Công ty đã ký được 40 hợp đồng xuất hàng sang Mỹ trong năm 2013. Tuy nhiên, với mức thuế hiện nay không biết Bình An sẽ xoay sở ra sao?
Trong khi đó, trước việc áp thuế này, ông Nguyễn Tùng Dương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, cho biết sẽ phải tập trung mạnh vào thị trường châu Âu truyền thống. Gò Đàng từng đặt kỳ vọng vào thị trường Mỹ nhưng niềm vui vừa chớm nay đã có cơ tắt. Gò Đàng phải nhận mức thuế 1,81 USD/kg.
Người cười
Tuy nhiên, hiện nay có 8 doanh nghiệp không bị áp thuế cao do những năm trước không xuất khẩu vào Mỹ. Chính vì thế, trong tuần qua, các nhà nhập khẩu Mỹ vội tìm đến 8 doanh nghiệp này vì doanh nghiệp không bị áp thuế thì giá bán sẽ giảm. Hy vọng của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam là 8 doanh nghiệp này sẽ thay thế 16 doanh nghiệp lớn xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Đây chính là cách lách luật cho các công ty như Hùng Vương. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish) là công ty con của Hùng Vương. Agifish vẫn được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Chính vì thế, Hùng Vương vẫn có thể ung dung xuất khẩu qua cửa Agifish. Đây là lợi thế rõ rệt mà những doanh nghiệp đơn thương độc mã như Vĩnh Hoàn khó có được.
“Sau khi có quyết định của DOC, khách hàng Mỹ gọi điện cho Agifish đặt hàng tới tấp”, ông Nguyễn Văn Ký, Tổng Giám đốc Công ty Agifish, cho biết. Trước những đơn hàng ồ ạt đến, Agifish đang cho cả 3 nhà máy chạy hết công suất để kịp giao hàng. Theo dự kiến, doanh thu của Agifish vào thị trường này sẽ tăng khoảng 20 triệu USD so với năm ngoái, ông Ký chia sẻ.
Hiện Hùng Vương đang đứng ra hậu thuẫn cho Agifish từ nguyên liệu đến tư vấn thị trường. Nhận thấy nguyên liệu cá đầu vào sẽ giảm từ 1,2 triệu tấn năm ngoái xuống còn khoảng 800.000- 900.000 tấn nên giá nguyên liệu vào sẽ tăng. Nhận thấy khả năng khan hiếm nguyên liệu và công ty con của mình có thể xuất khẩu vào Mỹ, Hùng Vương đã nhanh tay bao tiêu toàn bộ sản lượng cá tra của những hộ dân dùng thức ăn của công ty con Hùng Vương là Việt Thắng.
Người dân có thể bán cá cho Hùng Vương với giá 21.000 đồng/kg hoặc đợi giá tăng. Sau đó, Hùng Vương sẽ bán lại cho công ty con để xuất khẩu qua Mỹ. Hùng Vương dự đoán, nhu cầu nhập khẩu cá tra của khách hàng là rất lớn vì năm ngoái nhà nhập khẩu Mỹ không nhập khẩu cá tra nhiều do hy vọng giá năm nay giảm. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong thời điểm này có thể sẽ tăng giá bán cá tra vào thị trường Mỹ. Đây cũng được coi là một lợi thế cho cá tra.
Lúc này các doanh nghiệp bị áp thuế cao đưa ra giải pháp cùng liên kết với 8 doanh nghiệp trong ngành thủy sản để cùng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Còn Hùng Vương lại cho thấy sự nhìn xa trông rộng của mình khi ồ ạt mua lại doanh nghiệp đã bắt đầu phát huy lợi thế.