Vừa qua, Công ty CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) đã có thông báo Nghị quyết HĐTQ về việc miễn nhiệm, bầu bổ sung và phân công nhiệm vụ các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2012 – 2017. Theo đó, HĐQT đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT của CTCP Thủy sản Bình An đối với ông Đỗ Quang Hiển và miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT với ông Nguyễn Văn Lê kể từ ngày 06/05/2015.
Đáng chú ý là thông tin này ra đời trong bối cảnh Bianfishco vừa công bố báo cáo tài chính năm 2014 với con số lỗ lũy kế trên 2,500 tỷ đồng… Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hiển cho rằng: Nếu muốn hiểu rõ lý do thì phải nắm được từ đầu quá trình của thương vụ ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) với Bianfishco. Và ông bắt đầu câu chuyện.
SHB và Bianfishco đến với nhau như thế nào?
"Thực ra, tôi đại diện SHB tham gia tái cơ cấu Bình An là do SHB nhận sát nhập Ngân hàng Habubank. Chỉ có 10% cổ phần của Bình An là do Habubank sở hữu, còn 50% số cổ phần là do khách hàng của Habubank (công ty Hồ Mây) cầm cố cổ phiếu của Bình An. Khi SHB nhận sáp nhập Habubank thì SHB cũng phải xử lý tất cả nợ xấu của Habubank, trong đó có nợ xấu của công ty Hồ Mây"-ông Hiển chia sẻ.
Theo ông Hiển, SHB tham gia vào Bình An thực chất chỉ có 10%, còn 50% là do SHB được ủy quyền đứng ra xử lý nợ xấu cho công ty khách hàng của Habubank.
Ông Hiển cũng cho hay, việc này đã được báo cáo đầy đủ trong đề án sáp nhập, tái cấu trúc Bình An và đã được báo cáo lên Chính phủ, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính.
Vào thời điểm cuối năm 2012 lúc đó Bianfishco ở trạng thái thái rất rối ren. Bà Diệu Hiền (lúc đó là chủ của Bianfishco) nợ người nông dân, người ta quây nhà máy, quây kín nhà bà Diệu Hiền biểu tình gây ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng vào và hứa rằng sẽ tái cấu trúc xong và trả nợ cho người nông dân nhưng kéo dài đến 2,3 năm trời, người nông dân thực sự đã hết kiên nhẫn. Lúc tôi vào đó là ngày 20/8/2012, chỉ còn 10 ngày nữa là ông Trí (chồng bà Diệu Hiền) đến hạn cam kết với người nông dân.
Theo đó nếu không trả được tiền cho nông dân thì phải giao nhà máy cho họ. Mà nếu phải giao nhà máy thì khả năng lớn sẽ "nát" công ty. Họ lấy được gì thì họ lấy bởi vì người nông dân họ đâu có biết quản lý, có biết tái cấu trúc là gì đâu.
"Nhớ lại khoảng thời gian đó, thực sự tôi rất “khổ”. Có những chuyện tôi chưa kể với ai, như chuyện thường xuyên phải họp kéo dài rất căng thẳng. Có hôm đáp xuống sân bay lúc 3 giờ chiều là họp liên tục đến tận 1, 2 giờ sáng, đói quá anh em phải ra tận huyện để mua cái bánh mỳ an tạm. Cái bánh mỳ nhiều mỡ và bì ở Hà Nội bình thường tôi không bao giờ ăn vì trông thấy mỡ là sợ nhưng vào trong đấy đói quá là ăn hết.
Chuyện tái cấu trúc, nhà máy đang “be bét” như thế mà để dựng lại thì chỉ có tôi mới vào trực tiếp làm được vì trước đây tôi làm doanh nghiệp, làm sản xuất có kinh nghiệm rồi chứ cán bộ ngân hàng nói thật không ai làm được vì sản xuất nó khác hoàn toàn với ngân hàng.
Đứng trước thực trạng có thể nói là đường cùng của người nông dân và phá sản của nhà máy, và đặc biệt là tương lai của ngành thủy sản ở miền Tây, tôi đã quyết định đứng ra để đàm phán với các chủ nợ là các ngân hàng và các chủ nợ là doanh nghiệp, cá nhân. Theo đó, SHB cho Bình An vay tiền để trả nợ cho nông dân và tái cấu trúc để nhà máy có thể tiếp tục sản xuất. Sau 2 năm, Bình An đã ổn định sản xuất, trở lại xuất khẩu, không chỉ tạo được việc làm cho hơn 1.000 công nhân mà còn giúp hàng ngàn nông dân có đầu ra cho con cá".
Rút để SHB có thể tiếp tục “bơm” vốn cho Bianfishco
Theo ông Hiển, tính đến hết 2014, công ty Thủy sản Bình An thực chất không lỗ nhưng lũy kế thì lỗ. Con số lỗ là do lãi suất của các ngân hàng cộng dồn lại.
Tuy nhiên, các ngân hàng và chủ nợ đã thống nhất khoanh nợ, không tính lãi, nhưng trên sổ sách công ty thì vẫn phải tính. Con số lỗ lũy kế này không phải riêng SHB mà có đến 7 – 8 Ngân hàng cùng gánh chịu.
Ngành thủy sản Việt Nam theo ông Hiển là một thế mạnh, đặc biệt cá ba sa gần như độc quyền. Kim ngạch xuất khẩu cá của Việt Nam là hơn 3 tỉ USD, đây thực sự là ngành mũi nhọn về kinh tế và thế mạnh của miền Tây.
Ông tin rằng, sau khi những nợ nần được giải quyết, và sau giai đoạn tái cấu trúc vừa qua, công ty thủy sản Bình An có triển vọng phát triển tốt Còn nói về lý do rút khỏi HĐQT vừa qua, ông Hiển nói: Nguyên nhân ở đây là do Thông tư 36 của NHNN áp dụng ngày 1 tháng 2 là không cho vay những đối tượng có liên quan.
“Nếu tôi với anh Lê hiện là chủ tịch và tổng giám đốc SHB mà đồng thời là chủ tịch Bình An, tức là có liên quan thì SHB không thể cho Bình An vay được. Do đó, tôi phải rút khỏi Bình An để SHB tiếp tục được cho Công ty vay vốn”.
Trên thực tế, mặc dù ông Hiển và ông Lê rút khỏi danh sách HĐQT của Bianfishco nhưng một số cán bộ khác cũng là người của SHB đã được cử vào thay thế.
Được biết, tính đến nay SHB đã “bơm” khoảng 400 tỷ đồng cho Bianfishco . Trong đó, cho vay để trả nợ nông dân là 265 tỷ, cho vay vốn lưu động để mua nguyên liệu khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Khánh Nhi