HĐQT CTCP Masan MeatLife (UPCoM: MML) vừa thông qua việc góp thêm vào vốn điều lệ của CTCP Nông nghiệp Quốc tế (Anco) khoản tiền tối đa 500 tỷ đồng. Anco được thành lập vào năm 2003, chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi. Năm 2015, Công ty được Masan mua lại 70% vốn cùng với Proconco, Anco theo đó thuộc Masan Nutri – Science (đơn vị thành viên được Masan lập cũng trong năm 2015).
Theo Bản cáo bạch 2016, Anco chỉ phân phối cho đại lý cấp 1, tại thời điểm 30/9/2016, Anco có gần 2.000 đại lý cấp 1 tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Anco có khoảng 30-40% nhà phân phối kéo dài, hợp đồng đại lý thường kéo dài 1 năm, thời gian trung bình hợp tác với các đại lý là 6 năm. Cũng trong giai đoạn này, Anco sở hữu 12 chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, 5 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ngoài Việt Nam tại Campuchia.
Theo kế hoạch tập trung chuyên môn hóa ngành nghề kinh doanh 3F từ Masan, Công ty Masan Nutri-Feed sẽ chuyên nắm cổ phần tại các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, Anco đã chuyển nhượng cổ phần tại 5 công ty con sang Công ty Masan Nutri-Feed.
Mới đây, Masan Nutri-Science chính thức đổi tên thành Masan MEATLife (MML). Theo đó, sau 4 năm, Masan Nutri-Science đã chuyển đổi mô hình kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sang mô hình kinh doanh thịt đóng gói có thương hiệu phục vụ cho người tiêu dùng.
Kết thúc năm 2019, Anco ghi nhận doanh thu 1.875 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2019. Ngược lại, lợi nhuận gộp giảm mạnh 79% chỉ còn hơn 53 tỷ đồng. Mảng tài chính cũng sụt giảm mạnh khiến Công ty báo lỗ gần 468 tỷ đồng, năm 2018 có lãi 39 tỷ. Theo giải trình của Anco, lợi nhuận gộp giảm mạnh do:
(1) Thị trường chăn nuôi heo tiếp tục gặp khó khăn do sự xuất hiện và lan rộng của dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn heo bị sụt giảm trên phạm vi cả nước, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi heo trên thị trường giảm so với năm ngoái. Chịu tác động chung, doanh thu ngành thức ăn chăn nuôi của Anco giảm 29%, biên lợi nhuận còn bị ảnh hưởng do chi phí sản xuất cố định không thay đổi khi sản lượng sản xuất giảm.
(2) Ngành thịt bắt đầu đóng góp doanh thu vào quý 4/2019 sau khi Tổ hợp chế biến Hà Nam chính thức đi vào hoạt động. Trong giai đoạn đầu, doanh thu bán hàng chưa đủ bù đắp chi phí sản xuất cố định.
Ngoài ra, doanh thu tài chính giảm mạnh do không còn khoản thu nhập cổ tức được chia từ 5 công ty con như trước đây sau khi Tập đoàn thực hiện dự án tái cấu trúc nhằm tập trung chuyên môn hóa ngành nghề kinh doanh theo mô hình 3F (Feed, Farm, Food).
Túc Mạch