Cùng chung một cổ đông lớn, việc sáp nhập Ngân Hàng TMCP Phương Nam - SouthernBank vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (STB) dường như là câu chuyện tất yếu sớm muộn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, khi nào sẽ sáp nhập, quyền lợi của cổ đông, CBNV của 2 ngân hàng sẽ được sắp xếp như thế nào? Liệu việc sáp nhập có làm cho Sacombank – một ngân hàng được đánh giá là mạnh hơn đối tác của mình yếu đi không? Xung quanh nội dung này, ông Phan Huy Khang – Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho biết: Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của Sacombank đã thông qua việc cho phép HĐQT tìm kiếm ngân hàng khác để sáp nhập nhằm tăng quy mô hoạt động.
Vừa qua, SouthernBank đã có văn bản đề nghị được sáp nhập vào Sacombank. Sacombank đã tiếp nhận và đang tiến hành các thủ tục, xây dựng đề án để trình Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông thông qua trong kỳ họp tới đây.
Việc sáp nhập 2 ngân hàng với nhau cũng là xu hướng hiện nay và nằm trong định hướng tái cơ cấu của hệ thống NH của Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến sau sáp nhập, ngân hàng SouthernBank sẽ không còn tên và ngân hàng sau sáp nhập vẫn lấy tên là Sacombank. Ông Khang nhấn mạnh: mọi hoạt động của 2 ngân hàng sau sáp nhập là theo định hướng, chiến lược của Sacombank.
Hiện tại, tổng tài sản của Sacombank là hơn 160 nghìn tỷ đồng với mạng lưới 424 điểm giao dịch; SouthernBank có tổng tài sản 77 nghìn tỷ đồng và mạng lưới là 141 điểm. Như vậy, sau sáp nhập Ngân hàng Sacombank mới sẽ có gần 240 nghìn tỷ đồng tài sản và mạng lưới khoảng 565 điểm. Khi đó, tổng tài sản và mạng lưới của Ngân hàng Sacombank mới chỉ đứng sau 4 ngân hàng quốc doanh – Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV, đây là điều tốt cho sự phát triển của ngân hàng.
Trên thực tế, mạng lưới hoạt động của Southernbank thuộc tầm trung, trong giai đoạn hiện nay để phát triển được hệ thống mạng lưới như của SouthernBank là không dễ dàng. Việc sáp nhập SouthernBank sẽ giúp Sacombank có lợi thế rất lớn về mạng lưới, con người, tổng tài sản….
Đối với đội ngũ cán bộ công nhân viên sau khi sáp nhập 2 ngân hàng, theo ông Khang chắc chắn có dư thừa, nhưng định hướng của lãnh đạo Sacombank là giữ nguyên, không tinh giảm, tạo công ăn việc cho CBNV.
Liệu việc sáp nhập có làm cho Sacombank – một ngân hàng được đánh giá là mạnh hơn đối tác của mình yếu đi không? Ông Khang chia sẻ: Phương án Ngân hàng Southernbank tự cơ cấu để phát triển mạnh là không khả thi, vì vậy HĐQT Southernbank đã chọn phương án xin được sáp nhập vào Sacombank. Dĩ nhiên, SouthernBank cũng có những khó khăn và nhược điểm, nhưng sau khi sáp nhập với Sacombank – ngân hàng có hệ thống quản trị, điều hành mạnh, kỳ vọng SouthernBank sẽ tốt hơn.
Ngày 25/03/2014, Sacombank sẽ tiến hành Đại hội cổ đông thường niên năm 2014. Giả định rằng, tại Đại hội này, HĐQT sẽ trình xin ý kiến cổ đông về viêc sáp nhập SouthernBank vào Sacombank, theo quy định và điều lệ của Ngân hàng Sacombank, để chủ trương/đề án sáp nhập được thông qua cần thiết phải có 65% tỉ lệ biểu quyết đồng ý.
Q. Nguyễn