Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2024 ghi nhận doanh thu thuần tăng 12% so với cùng kỳ đạt 73.837 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 4.621 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Kết quả, Petrolimex ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.503 tỷ đồng, tăng hơn 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.275 tỷ, tăng 43% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 148.943 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.407 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 12% và 54% so với cùng kỳ. Lãi từ tiền gửi, tiền cho vay trong 6 tháng đầu năm hơn 511 tỷ đồng, tương ứng với bình quân 2,8 tỷ/ ngày.
Năm 2024, Petrolimex lên chỉ tiêu thận trọng với doanh thu hợp nhất tương ứng 188.000 tỷ đồng, giảm 32% so với thực hiện 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất kế hoạch đạt 2.900 tỷ đồng, giảm 26% so với kết quả đạt được năm ngoái. Như vậy chỉ sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã thực hiện được khoảng 79% doanh thu mục tiêu và 101% lợi nhuận trước thuế mục tiêu.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của Petrolimex đạt 73.967 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Lượng tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng khoảng 26.762 tỷ đồng, giảm 3.777 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Phía bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả ở mức 45.519 tỷ đồng, giảm gần 10% so với đầu năm, tổng nợ vay ở mức 17.715 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 28.447 tỷ đồng.
Gần đây, Bộ Công Thương đã công bố bản dự thảo Nghị định lần 3 về kinh doanh xăng dầu, dự kiến sẽ thay thế Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 và Nghị định 80/2023. Dự thảo có một số điểm khác so với bản dự thảo lần 2 được công bố hồi tháng 4/2024.
Theo tổng hợp của CTCK Vietcap, dự thảo lần 3 vẫn duy trì mục tiêu của dự thảo lần 2 là: (1) Cho phép các thương nhân phân phối xăng dầu tự định giá bán lẻ xăng dầu trong phạm vi giá trần do Chính phủ quy định và (2) Giảm số khâu trung gian.
Những thay đổi đáng kể so với dự thảo lần 2 là theo dự thảo lần 3, chi phí kinh doanh định mức sẽ được điều chỉnh hàng năm dựa trên Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bởi Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Các thương nhân đầu mối/phân phối xăng dầu sẽ ấn định giá bán lẻ dựa trên chi phí tạo nguồn (chi phí đầu vào) và các khoản liên quan cộng với chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức, miễn là thấp hơn giá trần.
Điều này khác với dự thảo lần 2, vốn cho phép các thương nhân đầu mối/phân phối xăng dầu xác định tổng chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức (dao động từ 1.800 đồng-2.500 đồng) để tính giá bán lẻ.
Điểm khác biệt thứ 2 là ấn định số ngày tồn kho là 20 ngày, so với 30 ngày trong dự thảo lần 2.
Đồng thời, ấn định chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu là 7 ngày, so với 7 hoặc 15 ngày trong dự thảo lần 2.
Theo Vietcap, dự thảo lần 3 sẽ có tác động tương tự hoặc tích cực hơn một chút đối với các thương nhân phân phối xăng dầu so với dự thảo lần 2, vì dự thảo này phản ánh chi phí kinh doanh thực tế của các nhà phân phối xăng dầu tốt hơn.
Tác động tích cực của việc giảm số ngày tồn kho từ 30 xuống 20 ngày và giảm chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 7 - 15 ngày xuống 7 ngày sẽ bù đắp cho tác động tiêu cực nhẹ từ việc thay đổi cách tính giá bán lẻ. Ngoài ra, một trọng điểm khác tại dự thảo lần 3 là cho phép thương nhân đầu mối kinh doanh nhiên liệu hàng không đàm phán giá nhiên liệu máy bay với khách hàng dựa trên cơ chế thị trường, điều mà Vietcap cho rằng sẽ hỗ trợ cho mảng kinh doanh nhiên liệu máy bay của Petrolimex (PLX) trong dài hạn.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 30/7, cổ phiếu PLX đang có giá 47.100 đồng/cp, tăng khoảng 39% kể từ đầu năm.
Ngọc Điệp
An ninh tiền tệ