Được biết, các máy bay Airbus A320neo sẽ đóng góp gần 40.000 chỗ trong dịp cao điểm hè và 299.000 ghế trong nửa cuối năm 2024.
Các máy bay Airbus A320neo của Vietnam Airlines có 182 chỗ, với 2 khoang thương gia và phổ thông. Máy bay được trang bị động cơ thế hệ mới, giúp tiết kiệm hơn 16% tiêu hao nhiên liệu, giảm 75% tiếng ồn và giảm được khoảng 50% khí thải độc hại so với các dòng động cơ thế hệ trước.
Airbus A320neo cũng có các tiện nghi tương tự máy bay Airbus A321neo của Vietnam Airlines như hệ thống giải trí không dây IFE, kích thước, độ rộng, độ ngả ghế…giúp hành khách có những hành trình thoải mái và thư giãn nhất.
Vietnam Airlines dự kiến khai thác Airbus A320neo trên các đường bay nội địa như Hà Nội - Đà Lạt, Hà Nội - Phú Quốc, TP.HCM - Thanh Hóa, TP.HCM - Chu Lai…
Thuê thêm máy bay là một trong những giải pháp quan trọng giúp hãng hàng không quốc gia Việt Nam đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách dịp cao điểm hè, trong bối cảnh ngành hàng không đang thiếu máy bay do ảnh hưởng từ việc nhà sản xuất triệu hồi động cơ trên toàn cầu.
Ngoài ra, hãng cũng tăng cường khai thác gần 1 triệu ghế (tương ứng hơn 4.500 chuyến bay) trên các đường bay nội địa vào khung giờ muộn từ sau 21h hàng ngày.
Hãng cũng chủ động tối ưu hóa lịch bay, quy trình phục vụ mặt đất để giảm thời gian quay đầu, qua đó tăng giờ khai thác bình quân, tăng số chuyến khai thác trên mỗi máy bay.
Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận thêm các máy bay thân rộng Boeing 787-10 trong thời gian tới. Đây là một trong những loại máy bay lớn nhất trong gia đình máy bay Boeing 787, đồng thời cũng là loại máy bay chở khách lớn nhất của hàng không Việt Nam hiện nay.
Trước đó, lãnh đạo Vietnam Airlines từng cho biết giá thuê máy bay hiện rất đắt đỏ. Giá "thuê khô" trung bình đã tăng 20 - 30% so với thị trường trước và ngay sau đại dịch COVID-19. Còn đối với máy bay "thuê ướt" thì mức giá tối thiểu tăng gấp đôi so với giai đoạn cao điểm Tết Giáp Thìn vừa qua do số lượng máy bay trên hạn chế.
Hãng còn phải đối diện với thách thức lớn từ giá nhiên liệu tăng rất cao. Giá nhiên liệu tăng 1 USD kéo theo chi phí tăng khoảng 10%. Ví dụ với xăng, so với năm 2019 mặt hàng giá xăng năm nay tăng 5.700 tỷ đồng và chi phí tỷ giá biến động tăng thêm 4.700 tỷ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỷ giá biến động mạnh, trong khi 70 - 75% cơ cấu tổng chi phí của hàng không là chi trả bằng ngoại tệ. Chưa kể, giá vật tư, phụ tùng máy bay...thời gian qua đều tăng.
Các xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy cũng khiến phát sinh nhiều vấn đề và chi phí. Cụ thể như trước đây, để sửa chữa bảo hành một chiếc máy bay mất khoảng 150 ngày thì hiện tại đến 200-300 ngày, thậm chí đến 1-1,5 năm. Thời gian bảo trì kéo dài khiến chi phí vận hành cũng tăng cao.
Theo Phạm Duy
VTC News