Chiều ngày 12/6, báo Nhân dân đã tổ chức hội thảo với chủ đề: Hàng không-Du lịch "bắt tay" liên kết phát triển bền vững. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không đối mặt với việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu. Cùng với biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu, các hãng hàng không bị giảm năng lực cung ứng và phải điều chỉnh tăng giá vé máy bay. Điều này đã và đang tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Trên thực tế, giữa các doanh nghiệp trong ngành hàng không và du lịch luôn có sự cạnh tranh gay gắt, nhiều liên kết phát triển hàng không-du lịch đã bị phá vỡ bởi sự xung đột quyền lợi trong nội bộ một bên, hoặc sự xuất hiện của bên thứ ba. Các chuyên gia kinh tế nhận định, trước khi tìm giải pháp để tăng cường liên kết, hợp tác giữa hai ngành này, phải tìm được cơ chế kiểm soát trong chính nội bộ ngành.
Tham gia phiên thảo luận của Hội thảo, ông Lê Hồng Hà – Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định, hợp tác luôn là chiến lược hoạt động của Vietnam Airlines với các hãng hàng không khác và với các hãng lữ hành, du lịch.
"Trong giai đoạn khó khăn này, các hãng hàng không chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để đảm bảo có thể khai thác các máy bay nhiều nhất và hiệu quả nhất, không vì hãng kia không bay được thì mình cũng phấn khởi" – Ông Hà nói.
Khi giá vé máy bay tăng cao trở thành vấn đề "nóng" trong dư luận thời gian qua, các hãng hàng không đã nỗ lực tìm giải pháp để hạ nhiệt, và một trong các giải pháp để giảm giá vé máy bay (trung bình) là tăng các chuyến bay đêm và sáng sớm. Vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Vietnam Airlines tổ chức các chuyến bay khởi hành sau 21 giờ và trước 6 giờ hằng ngày trên nhiều đường bay nội địa, với mức giá khuyến mại được đánh giá là hấp dẫn.
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Hà tiết lộ, trong tháng 5, Vietnam Airlines đã phải hủy 10% chuyến bay đêm do không có khách. Trở ngại của một chuyến bay đêm là tuy giá vé rẻ hơn, nhưng khách hàng sẽ mất thêm 1 đêm ở khách sạn, hoặc các điểm đến chưa thể đáp ứng về hạ tầng giao thông công cộng để di chuyển vào ban đêm.
"Dù vậy tôi cho rằng vẫn còn dư địa để làm tiếp. Chúng ta đã phát động và tạo ra một thị trường mới, một thói quen mới. Tập đoàn Sungroup đã có giải pháp kết hợp cho các chuyến bay đêm như giảm 50% tiền khách sạn đêm đầu tiên. Về ngắn hạn, hàng không và đơn vị lưu trú có thể phối hợp với nhau tạo ra chương trình du lịch hấp dẫn cho chuyến bay sáng sớm hoặc tối muộn trong bối cảnh khó khăn tải cung ứng như hiện nay" – TGĐ Vietnam Airlines chia sẻ.
Đại diện cho Vietravel – một tập đoàn với hệ sinh thái bao gồm cả lữ hành du lịch và hàng không, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh, giá vé máy bay lên cao là xu hướng của cả thế giới chứ không riêng Việt Nam. Đề xuất giải pháp phải bắt nguồn từ nhu cầu thị trường.
Theo ông Kỳ, ngành hàng không Việt Nam hiện nay nói chính xác là "gia công" khi mới chỉ có con người còn công nghệ, hạ tầng, thiết bị máy móc, nhiên liệu... hoàn toàn đi mua từ nước ngoài. Cho nên chỉ cần thị trường quốc tế "nhúc nhích" là hãng bay "mệt mỏi".
"Tôi khẳng định không có khách nào bay đêm đâu. Du lịch là thị trường của người có tiền, bắt người ta bay đêm, khổ cực thế ai mà đi, khác gì tiêu diệt sinh lực lẫn nhau! Chúng ta phải thực tế và thực dụng" - Ông Kỳ nói.
Theo Chủ tịch Vietravel, bay đêm chỉ có thể bán được nếu bay charter, tận dụng nguồn lực của các hãng hàng không để các hãng du lịch thiết kế chuyến bay charter, bay xa và tận dụng đêm đầu tiên để đỡ chi phí. Bán charter mới giải quyết được khâu bay đêm cho khách du lịch.
Ông Kỳ cho rằng, cần có thêm đánh giá chính xác và kỹ lưỡng hơn về những tác động của giá vé máy bay đến ngành du lịch, nhưng dù sao, vấn đề lớn nhất để thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam hiện nay là sự phối hợp giữa các đơn vị trong chuỗi giá trị để cùng chia sẻ quyền lợi.
Điều này, trong lời phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Quốc Minh, TBT báo Nhân dân cũng chia sẻ, du lịch và hàng không giống như "đôi cánh" cùng góp phần phát triển kinh tế. Với đặc thù địa hình Việt Nam trải dài từ bắc tới nam, hàng không có nhiều ưu thế hơn và được coi là bệ phóng của ngành du lịch, thu hút đầu tư, giao thương, quan hệ quốc tế,... Ngành hàng không tăng trưởng thúc đẩy phát triển du lịch, tạo cơ hội cho hành khách khám phá những điểm đến mới. Ở chiều ngược lại, du lịch đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hàng không, từ việc hình thành nhu cầu cho dịch vụ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, đến việc tạo ra cơ hội cho sự đổi mới và cải tiến.
Hiện nay, việc hợp tác giữa hàng không và du lịch chủ yếu là Cục Du lịch quốc gia, các hãng hàng không, địa phương, công ty du lịch tự bắt tay liên kết. Việc hợp tác này hầu hết ở quy mô nhỏ, mang tính sự vụ, chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô lớn để thực hiện điều phối việc hợp tác, liên kết giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
Theo TBT báo Nhân dân, việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành hàng không và du lịch là hết sức khó khăn, bởi các doanh nghiệp luôn có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Vấn đề hợp tác giữa hai ngành hàng không-du lịch được xem xét không chỉ ở mức độ cùng quảng bá, đưa ra các gói khuyến mại mà cần xây dựng kế hoạch tổng thể, quy mô cấp quốc gia và phân kỳ để có tác động dài lâu.
Lan Hạ
Đời sống pháp luật