MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

THÔNG TIN CÔNG TY

Thứ 7, 03/09/2011, 00:29
DVD

 Công ty Cổ phần Dược phẩm Viễn Đông

Giá hiện tại: DVD 3.5 -0.1(-2.78%) Biểu đồ GTGD và KLGD trong 1 tháng Thông tin tài chính Hồ sơ công ty GDCĐ lớn & CĐ nội bộ Facebook message
Bước đường cùng của Dược Viễn Đông
Bước đường cùng của Dược Viễn Đông

Mười một năm kể từ khi sàn TPHCM thành lập, chưa bao giờ nhà đầu tư Việt Nam đối diện với rủi ro cổ phiếu - tờ giấy trắng - tận mắt, tận tay như với DVD.

Tháng 3 đầu năm nay khi hai tổ chức nước ngoài Deutsche Bank và BI Private Equity New Market II K/S bán đổ bán tháo gần 30% cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược Viễn Đông (DVD) với giá xung quanh 15.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư trong nước là người mua vào.

Thương vụ DVD đã khiến BI Private Equity New Market II K/S lỗ khoảng 170 tỉ đồng và Deutsche Bank lỗ chừng 45 tỉ đồng. Dẫu vậy cả hai không mất trắng vì còn vớt vát được ít nhiều. Nếu để đến tuần trước khi giá DVD chỉ 4.000 đồng/cổ phiếu, số lỗ còn nặng nề hơn và quan trọng là có thể không thu hồi được gì sau khi DVD bị hủy niêm yết.

Vì sao cả hai cổ đông nước ngoài lại dứt khoát cắt lỗ cho bằng được và bằng mọi giá cổ phiếu DVD đến vậy? Phải chăng lúc bấy giờ họ đã “đánh hơi” thấy bước đường cùng của công ty? Có thể họ đã hiểu rằng trước sau gì DVD cũng sẽ phá sản, nên không thể chần chừ bán ra càng sớm càng tốt?

Ngân hàng ANZ, một trong những chủ nợ của DVD, đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DVD. ANZ không cho biết thời điểm nộp đơn, nhưng Tòa án Nhân dân TPHCM đã thụ lý đơn vào ngày 10-5-2011, sau đó ban hành quyết định vào ngày 5-8-2011 cho phép mở thủ tục phá sản. Cho đến khi đó không có bất kỳ một thông tin chính thức nào về tình hình hoạt động của DVD. Công ty đã không nộp các báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán năm 2010, quí 1, quí 2-2011.

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose) có văn bản nhắc nhở, DVD không hồi âm. Chỉ đến ngày 24-8-2011 khi ANZ có công văn gửi sở thông báo việc họ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DVD, Hose mới có thông báo công khai và rộng rãi trên trang web của mình.

Đến ngày 30-8, HOSE đã có quyết định hủy niêm yết cổ phiếu DVD kể từ ngày 5-9, ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu này là ngày 1-9! Những cổ đông đang sở hữu cổ phiếu DVD chỉ còn biết chờ đợi, đợi xem thủ tục phá sản thế nào, việc thanh lý tài sản ra sao và liệu họ có cơ hội nhận lại được chút nào phần tiền đã bỏ ra mua cổ phiếu.

Bỏ qua một bên những thủ tục phá sản, những quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp, những vi phạm cố ý của DVD về quan hệ, trách nhiệm với cổ đông… hậu quả mà DVD để lại trên thị trường chứng khoán không nhỏ. Khả năng cổ phiếu DVD là một tờ giấy trắng không hơn không kém đang rất hiện thực.

Mười một năm kể từ khi sàn TPHCM thành lập, chưa bao giờ nhà đầu tư Việt Nam đối diện với rủi ro cổ phiếu - tờ giấy trắng - tận mắt, tận tay như với DVD. Người ta chỉ nghe nói đầu tư chứng khoán có thể mất trắng ở nước ngoài trong các cơn khủng hoảng, nhưng bây giờ người ta thấy nó hiện diện ở Việt Nam. Nó là thật!

Cổ đông của DVD có thể đang tự trách bản thân, trách sao không nghiên cứu kỹ hồ sơ công ty trước khi mua cổ phiếu, trách sao quá tham lam, ham rẻ, trách sao mạo hiểm… Song nhìn rộng ra, lỗi không của riêng họ. Tình trạng không minh bạch của công ty khiến nhà đầu tư trả giá. Sự không minh bạch trong công bố thông tin của doanh nghiệp là bài học không chỉ của cổ đông DVD. Quy định một cổ phiếu chỉ được giao dịch trong phiên ba tại Hose là một chỉ báo cần cảnh giác đối với nhà đầu tư, nhưng chỉ báo ấy đã bị bỏ qua.

Thực tế, liệu nhà đầu tư có khả năng tránh rủi ro của cổ phiếu DVD đến đâu? Khi mọi sự đã rồi, nhìn lại mới thấy khả năng phòng ngừa rủi ro quá yếu. Có lẽ nhiều nhà đầu tư sẽ không mua cổ phiếu DVD vào tháng 3-2011 nếu ngay trước đó DVD không công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quí 4-2010 chưa được kiểm toán. Theo báo cáo này, năm ngoái công ty vẫn có lợi nhuận sau thuế 72 tỉ đồng trên vốn điều lệ 119 tỉ đồng. Số nợ của công ty lên tới 919 tỉ đồng, nhưng các khoản phải thu cũng không nhỏ, trong đó có những khoản trả trước cho người bán hơn 600 tỉ đồng. Nếu chỉ đơn thuần dựa trên báo cáo tài chính, làm sao nhà đầu tư có thể biết tình trạng thực sự của DVD?

Câu chuyện của DVD khác hẳn câu chuyện những doanh nghiệp thua lỗ trên sàn. Một số doanh nghiệp niêm yết thua lỗ, thậm chí lỗ liên tiếp nhiều quí, nhưng không một đơn vị nào vướng vào việc làm giá, đầu cơ cổ phiếu có hệ thống và cố ý như lãnh đạo DVD. Người ta có quyền đặt câu hỏi vì sao ngay khi ông chủ tịch hội đồng quản trị và hàng loạt những người có liên quan bị bắt, DVD lại xuống dốc thảm hại như vậy?

Liệu có khả năng DVD được thành lập chỉ để đầu cơ cổ phiếu của chính mình và ý định ấy xuyên suốt ngay từ đầu? Công ty có thực sự sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hay chỉ toàn mua bán lòng vòng giữa các thành viên, với một số đối tác tạo doanh thu, lợi nhuận ảo? Những câu hỏi này cho đến nay vẫn chỉ là phỏng đoán và ngay cả Hose là cơ quan cấp phép niêm yết cho DVD cũng chưa thể trả lời chính xác.

Trong giới tài chính, từ trước đến nay không ai hiểu các con nợ bằng các chủ nợ. Dù thế không phải chủ nợ nào cũng kiểm soát được đường đi, việc sử dụng vốn vay. Với DVD, người cho vay không chỉ là các tổ chức tín dụng nội địa, mà có cả những ngân hàng nước ngoài tên tuổi. Không biết họ có nằm trong số những đối tượng hàng đầu được ưu tiên trả nợ?

Theo Lưu Hảo
TBKTSG

Các tin khác
Nguyên Chủ tịch Dược Viễn Đông lại bị truy tố
Nguyên chủ tịch Dược Viễn Đông lại bị truy tố
Không thu phí lưu ký chứng khoán đối với cổ phiếu DVD và MCV
Cựu Tổng giám đốc Dược Viễn Đông Lê Văn Dũng lĩnh án 4 năm tù
Giá trị thực của doanh nghiệp bị "méo mó"
Dược Viễn Đông chấm dứt hoạt động
Nếu kiện, hãy kiện lãnh đạo DVD
Sau DVD, nhiều DN có nguy cơ bị yêu cầu phá sản
Dược Viễn Đông không còn hoạt động tại trụ sở đã đăng ký
Vụ việc DVD: Trách nhiệm của công ty kiểm toán đến đâu?
(*) Lưu ý: Dữ liệu được tổng hợp từ các nguồn đáng tin cậy, có giá trị tham khảo với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro nào do sử dụng các dữ liệu này.