Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 24/6, thị trường chứng khoán đã chứng kiên một pha giảm mạnh, có lúc VN-Index đã giảm đến hơn 20 điểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó cổ phiếu VNA của CTCP Vinaship vẫn tăng trần 15% trên sàn UPCoM đạt mức giá 38.200 đồng/cp, đánh dấu phiên tăng "kịch biên độ" thứ hai liên tiếp.
Khối lượng dư mua ở giá trần đạt gần 44.000 đơn vị . Kể từ đầu năm, thị giá của VNA đã tăng gần gấp đôi, đánh dấu mức cao nhất của mã này kể từ tháng 11/2023. Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp đạt 764 tỷ đồng.
Cổ phiếu VNA tăng "kịch biên độ" hai phiên liên tiếp ngay sau khi công bố kế hoạch thưởng cổ phiếu tỷ lệ "khủng' cho cổ đông. Cụ thể, ngày 17/6, Vinaship thông báo sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, công ty dự kiến phát hành 14 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 70%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 70 cổ phiếu mới.
Nguồn vốn phát hành từ nguồn quỹ đầu tư phát triển tại ngày 31/12/2023 căn cứ trên BCTC Công ty mẹ năm 2023 đã được kiểm toán. Ngày đăng ký cuối cùng để phân bổ quyền là ngày 1/7. Nếu hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của Vinaship sẽ tăng từ từ 200 tỷ đồng lên 340 tỷ đồng.
Được biết, đã lâu, Vinaship không chi trả cổ tức cũng như thưởng cổ phiếu. Lần gần nhất Vinaship trả cổ tức đã từ tháng 10/2011 với việc thanh toán cổ tức bằng tiền đợt 2 năm 2010 với tỷ lệ 10% cho cổ đông.
Mới đây, Vinaship bán thành công tàu Vinaship Star trọng tải 23.949 DWT đóng năm 1996 tại Nhật Bản. Hợp đồng bán tàu được ký ngày 6/5/2024. Tàu đã được bàn giao cho bên mua tại khu neo Vũng Tàu vào ngày 12/6 vừa qua.
Về kết quả kinh doanh, quý 1/2024, Vinaship ghi nhận doanh thu 34 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế hơn 274 triệu đồng, giảm 70% so với cùng kỳ.
Vinaship hiện là công ty con của tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC). VIMC đang trực tiếp sở hữu 51% vốn của Vinaship. Doanh nghiệp này được thành laajo vào năm 1984, với ngành nghề chính là vận tải biển, logistics...
Trọng Hiếu
Đời sống pháp luật