CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang tiền thân là công ty thành viên của NXB Giáo Dục Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 1338/QĐ-TCNS ngày 15/11/2007 của Nhà xuất bản Giáo dục.
Ngày 19/7/2010, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận chấp thuận cổ phiếu của CTCP đầu tư và phát triển công nghệ Văn Lang (MCK: VLA) được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Ngày 4/8/2011, mã chứng khoán VLA chính thức giao dịch phiên đầu tiên trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Ngành nghề kinh doanh chính hiện nay của Văn Lang là đào tạo kỹ năng tư duy, marketing, bán hàng, giao tiếp, lãnh đạo, quản lý tài chính, quản lý thời gian; đào tạo kỹ năng nói trước công chúng.
Trải qua năm 2023 nhiều thách thức, VLA thu được doanh thu 11,2 tỷ đồng, giảm tới gần 70% so với năm trước đó và có lãi sau thuế 137 triệu đồng.
Trong báo cáo, VLA đã chỉ ra, năm 2023 công tác đào tạo của VLA gặp rất nhiều khó khăn như số lượng lớp học giảm, số lượng học viên giảm nhiều so với năm trước, dẫn đến doanh thu giảm 66% so với năm trước.
Nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, suy thoái do vậy hoạt động kinh doanh BĐS, chứng khoán giảm mạnh, dẫn tới nhu cầu học cũng giảm sút.
Những khoá học đầu tư Văn Lang đã triển khai thành công trong năm 2023 bao gồm: Chiến lược đầu tư bất động sản, trí tuệ đầu tư 5.0, bí quyết huy động vốn hiệu quả, trí tuệ doanh nghiệp,...
Bán các khoá học đầu tư nhưng Ban điều hành Văn Lang cho biết trong năm 2023, do thị trường chứng khoán biến động thất thường nên về công tác kinh doanh đầu tư tài chính, doanh nghiệp đã thận trọng để bảo toàn vốn kinh doanh.
Về đầu tư bất động sản, trước đó vào năm 2022, công ty đã mua một khách sạn tại Quảng Ninh giá trị 18 tỷ đồng, tuy nhiên sau gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi quyền sở hữu tài sản về VLA, đồng thời hoạt động du lịch khách sạn bị ảnh hưởng lớn, kinh doanh gặp khó khăn.
Do vậy, Ban Giám đốc đã đề xuất HĐQT họp ra nghị quyết để thanh lý hợp đồng mua khách sạn, thu hồi vốn và giải quyết các thủ tục bồi thường theo quy định.
Năm 2024, ngoài việc duy trì công tác đào tạo, tiếp tục mở rộng các khoá học như chiến lược đầu tư và bất động sản, trí tuệ doanh nghiệp, khoá học huy động vốn,... Công ty định hướng tập trung mạnh vào công tác đầu tư kinh doanh bất động sản, thị trường chứng khoán và các dịch vụ khác để tăng doanh thu, bảo đảm đời sống việc làm thu nhập cho nhân viên và lãi cổ tức của các cổ đông.
Ngoài ra, công ty cũng tăng cường công tác dịch vụ tư vấn đầu tư bất động sản có thu phí, nghiên cứu triển khai dịch vụ tư vấn tài chính kinh doanh, môi giới bất động sản, tư vấn cấu trúc doanh nghiệp và các dịch vụ tài chính khác.
Năm 2024, công ty đề ra mục tiêu doanh thu 20 tỷ đồng và 3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cổ tức năm 2023 dự kiến 4% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, trong diễn biến mới nhất vào ngày 26/02, HĐQT CTCP đầu tư và phát triển công nghệ Văn Lang (VLA) thông qua việc sử dụng chi tiết số tiền gần 20 tỷ đồng thu được từ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Đáng chú ý là ngoài chi phí nhân công, chi phí lương nhân viên, chi phí chuyên gia đào tạo; Chi phí tổ chức lớp học, hội nghị; Chi phí tài liệu, in ấn, tiếp khách, giao dịch thì chi phí quảng cáo, marketing được dự kiến lên tới 12 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT của VLA hiện nay là ông Nguyễn Thành Tiến. Đến cuối 2023, ông Tiến đang sở hữu 9,08% cổ phần của doanh nghiệp. Đồng thời, ông Tiến cũng là người đứng lớp và sở hữu kênh Youtube với 179 ngàn người theo dõi.
Theo tìm hiểu trên trang vla.edu.vn, ông Tiến xuất hiện với rất nhiều khóa học liên quan đến các chủ đề đầu tư, bất động sản, marketing, phát triển cá nhân như: Bí quyết trở thành triệu phú Đô la, Bất động sản không đồng, quản lý cho thuê,...
Giá các khoá học dao động từ 300 nghìn đồng tới vài chục triệu đồng. Cá biệt có khoá học lên tới gần trăm triệu đồng, bên cạnh đó có một số khoá học miễn phí.
Theo Trọng Nghĩa
An ninh tiền tệ