Tại Việt Nam, da giày là một trong những ngành sản xuất lớn với kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ đô la mỗi năm. Mặc dù miếng bánh lớn như vậy nhưng các doanh nghiệp trong nước nhìn chung khá lép vế và phần lớn thị phần ngành hiện nằm trong tay các doanh nghiệp FDI Đài Loan, Hàn Quốc.
Những thương hiệu nội địa lâu năm như Biti’s, Giầy Thượng Đình…cũng chỉ có doanh số đôi ba chục triệu USD mỗi năm, khó có thể xếp vào “chiếu trên” trong ngành. Tuy vậy, không phải không có những cái tên đáng chú ý và nổi lên trong hàng nghìn doanh nghiệp da giày Việt là Thái Bình Shoes (TBS Group), doanh nghiệp hiếm hoi có thể so kè về quy mô với các doanh nghiệp FDI.
Trong năm 2014, TBS Group đạt trên 5.300 tỷ đồng doanh thu và có lợi nhuận thuộc hàng tốt nhất trong ngành. Còn theo bảng xếp hạng VNR500, TBS Group hiện đứng thứ 144 trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về mặt doanh thu, xếp sau Novaland và đứng trên Hóa dầu Petrolimex (PLC). Với bảng xếp hạng này, có thể ước tính doanh thu năm 2015 của TBS Group vào khoảng 7.000 tỷ đồng.
Vốn điều lệ TBS Group hiện đạt 770 tỷ đồng, trong đó, ông Nguyễn Đức Thuấn nắm giữ gần 70% cổ phần. Hiện tại, ông Nguyễn Đức Thuấn đang nắm giữ chức vụ chủ tịch HĐQT TBS Group kiêm Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam.
Là doanh nghiệp lớn trong ngành da giày Việt Nam, tuy nhiên hoạt động của TBS Group không chỉ bó buộc trong lĩnh vực da giày mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực như thương mại, bất động sản, logistic và thậm chí cả đầu tư tài chính.
Cổ đông lớn của Giày Thượng Đình
Năm 2014, TBS Group đã mua vào 930 nghìn cổ phiếu Giày Thượng Đình (GTD) trong đợt phát hành cho nhà đầu tư chiến lược. Lượng cổ phiếu này tương ứng 10% vốn điều lệ Giày Thượng Đình.
Giá mua không được công bố nhưng sẽ không thấp hơn mức giá thấp nhất trong phiên IPO của Giày Thượng Đình (44.000 đồng). Theo cam kết, TBS Group sẽ không chuyển nhượng số cổ phần mua được trong thời gian tối thiểu 5 năm, tính từ khi CTCP Giày Thượng Đình được cấp phép đăng ký kinh doanh hoạt động dưới hình thức CTCP vào ngày 19/7/2016.
Ngoài Giày Thượng Đình, TBS Group hiện đang nắm giữ 3,72 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 62,03%) của CTCP Sản xuất thương mại hữu nghị Đà Nẵng (Hunex) – một doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực da giày.
Cổ đông lớn thứ 2 của Hunex là CTCP Đầu tư và Xúc tiến thương mại Việt Nam LEFASO với tỷ lệ sở hữu 12,5%. Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Thuấn – chủ tịch TBS Group cũng là chủ tịch CTCP Đầu tư và Xúc tiến thương mại Việt Nam LEFASO.
Những khoản đầu tư siêu lợi nhuận tại NNC và WCS
Bên cạnh những khoản đầu tư vào các doanh nghiệp da giày, TBS Group còn có những khoản đầu tư siêu lợi nhuận vào Đá Núi Nhỏ (NNC) hay Bến xe miền Tây (WCS).
Cụ thể, TBS Group là cổ đông lớn, nắm giữ 1,39 triệu cổ phiếu NNC (tỷ lệ 15,83%) trước thời điểm doanh nghiệp này lên sàn vào năm 2010. Tính đến thời điểm hiện tại, TBS Group vẫn chưa bán ra 1 cổ phiếu NNC nào và tỷ lệ nắm giữ vẫn duy trì ở mức 15,83% nhưng số lượng đã tăng lên 2,6 triệu cổ phiếu do nhiều lần chia thưởng.
Tính theo thị giá 73.000 đồng/cp (phiên 4/1/2017) thì giá trị khoản đầu tư vào NNC của TBS Group đã tăng 2,35 lần so với thời điểm mới lên sàn năm 2010. Ngoài ra, TBS Group còn nhận về khoảng 56 tỷ đồng tiền cổ tức sau 6 năm NNC lên sàn.
Những khoản đầu tư siêu lợi nhuận của TBS Group
Tương tự như khoản đầu tư vào NNC, TBS Group đã nắm giữ 250.500 cổ phiếu WCS (tỷ lệ 10,02%) từ trước thời điểm doanh nghiệp này lên sàn vào năm 2010.
Tính theo thị giá hiện tại là 182.000 đồng/cp, khoản đầu tư của TBS Group vào WCS đã tăng gấp 5 lần sau 6 năm. Ngoài ra, TBS Group cũng thu về gần 5 tỷ đồng tiền cổ tức từ việc đầu tư vào WCS trong 6 năm qua.
Thành viên HĐQT CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam
Hiện tại, ông Nguyễn Đức Thuấn – chủ tịch TBS Group đang nắm giữ chức vụ thành viên HĐQT CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam (VPS).
Ông Thuấn cùng vợ là bà Lâm Thị Mai hiện nắm giữ tổng cộng hơn 7 triệu cổ phiếu VPS, tương ứng tỷ lệ 28,66% và là cổ đông lớn thứ 2 tại doanh nghiệp này, sau Vinachem (51%).
Ngoài những khoản đầu tư đang nắm giữ trên, trước đây TBS Group từng đầu tư vào Cáp Sài Gòn (CSG) nhưng doanh nghiệp này đã giải thể vào năm 2012. Khi đó, CSG đã thanh toán cho mỗi cổ đông công ty tổng cộng 14.000 đồng/cp, cao hơn thị giá phiên giao dịch cuối cùng (12.200 đồng/cp) và nhận được sự tán thành nhiệt liệt từ phía cổ đông.
Hoàng Anh