Trong danh sách các lão gia trên thương trường, người ta nhắc tới bà Trần Thị Thái như một nữ doanh nhân lão làng trong ngành mía đường. Sinh năm 1939, bà là một doanh nhân tuổi Mão, năm nay bước sang tuổi 85 - người lớn tuổi nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Ở độ tuổi mà nhiều người gác lại chuyện thương trường, hướng về thú vui điền viên, bà Thái vẫn tham gia ban quản trị của một loạt doanh nghiệp mía đường như CTCP Mía đường Bến Tre (Bentresuco), Công ty Cổ phần Đường Kon Tum (KTS), CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco), CTCP Mía đường Sơn La (SLS), CTCP Mía đường Sóc Trăng (SST).
Với tư cách cá nhân, bà Thái đang nắm giữ 27,4% cổ phần của Mía đường Sơn La, 10% Mía đường Sóc Trăng, 6% Mía đường Cần Thơ và 2% mía đường Kon Tum. Trong đó Mía đường Sơn La là được chú ý nhất khi còn có cả những người trong gia đình bà Thái nắm quyền lớn.
Bà Thái hiện là cổ đông lớn nhất của SLS với gần 2,7 triệu cổ phiếu SLS đang nắm giữ. Công ty TNHH Thái Liên do bà Trần Thị Liên, em gái bà Thái, làm đại diện theo pháp luật là cổ đông lớn thứ 2, theo sau là ông Đặng Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Mía đường Sơn La. Tổng nhóm này nắm 52,27% cổ phần của SLS.
Mía đường Sơn La làm ăn ra sao?
Quý 1 niên độ 2022-2023 (từ 1/7 đến 30/9/2022), Mía đường Sơn La này đã sớm cán đích lợi nhuận cả năm. Cụ thể, SLS đạt doanh thu 341,4 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Giá vốn thậm chí còn tăng nhanh hơn, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ khiến biên lãi gộp bị thu hẹp từ 33,7% xuống còn 30,2%. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 103 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ niên độ trước.
Trong kỳ, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ. Kết quả, SLS lãi ròng 81,2 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 8.296 đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hồi tháng 9, SLS đã thông qua kế hoạch kinh doanh niên độ 2022-2023 với chỉ tiêu doanh thu đạt xấp xỉ 1.111 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với niên độ trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ ở mức hơn 75 tỷ đồng, giảm gần 60% so với thực hiện trong niên độ trước.
Như vậy, dù mới chỉ thực hiện được khoảng 30% kế hoạch doanh thu song SLS đã vượt xa chỉ tiêu lãi ròng cả năm.
Trước đó khi đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi, ở niên vụ 2021 – 2022 (1/7/2021-30/06/2022), SLS từng ghi nhận lợi nhuận cao nhất lịch sử.
Cụ thể, công ty đạt doanh thu 869 tỷ đồng, nhờ cải thiện biên lợi nhuận gộp, lợi nhuận sau thuế đạt 187,6 tỷ đồng, tăng 14,5% so với niên độ trước và gấp 2,5 lần so với kế hoạch. Sau khi “tạo đáy” lợi nhuận vào niên độ 2018-2019, Mía đường Sơn La đã tăng trưởng liên tục 4 niên độ cho đến 2021-2022.
Hiện nay, công ty sở hữu vùng nguyên liệu khá ổn định (hơn 9.000 ha tương đương hơn 3% vùng nguyên liệu trên cả nước). Thổ nhưỡng phù hợp với canh tác mía, cho năng suất tốt, chữ đường mía cao.
Niên độ 2022-2023, SLS dự báo ngành mía đường tiếp tục gặp khó khăn do nạn buôn lậu, gian lận thương mại chưa được kiểm soát triệt để, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao làm giảm thu nhập của người trồng mía, vùng nguyên liệu của Công ty ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác.
Chi trăm tỷ trả cổ tức, EPS thường xuyên duy trì trên 10.000 đồng
Doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi bà Trần Thị Thái còn được biết đến là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức đều đặn và ở mức cao. Kể từ khi lên sàn năm 2012, chưa năm nào doanh nghiệp này quên chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Những năm gần đây, tỷ lệ chi trả thường lên đến trên 50%.
Với kết quả lợi nhuận vượt xa kế hoạch niên độ vừa qua, ngay trong tháng 10/2022, công ty vừa chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 100%, tương ứng chi ra gần 100 tỷ đồng.
Bên cạnh truyền thống chi trả cổ tức, SLS còn được nhà đầu tư chú ý khi thường xuyên duy trì EPS cao trên 10.000 đồng. Một trong những lợi thế giúp SLS đạt được kết quả này đến từ việc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Cổ phiếu luôn nằm trong CLB "giá 3 chữ số"
Không chỉ lãi đều trăm tỷ/năm, EPS ở mức cao, trên thị trường chứng khoán, bất chấp thị trường biến động mạnh, mã chứng khoán SLS trong cả năm qua giao dịch ở mức giá trên 100.000 đồng/cp, trụ vững trong nhóm cổ phiếu "giá 3 chữ số".
Mức đỉnh về thị giá mà SLS đã thiết lập được trong năm qua là 151.290 đồng/cp (giá sau điều chỉnh) vào phiên giao dịch ngày 7/3/2022. Thị giá hiện tại đã giảm khoảng 18% so với mốc này.
Những năm trước, SLS còn từng được gọi là "cổ phiếu hoa hậu" bởi thị giá liên tục tăng khi đa phần các cổ phiếu trong ngành chỉ đi ngang hoặc mức tăng không đáng kể.
Nhuận Hoa
Nhịp sống thị trường