Kế hoạch lợi nhuận giảm 74% sau một năm lãi kỷ lục
Ngày 26/9 tới đây, CTCP Mía Đường Sơn La (mã chứng khoán: SLS) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, tài liệu cuộc họp đã được công bố.
Trong niên độ 2023 – 2024 (năm tài chính của Mía đường Sơn La bắt đầu từ 1/7/2023 đến 30/6/2024), Mía đường Sơn La lên kế hoạch tổng doanh thu thuần xấp xỉ 1.046 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 39% so với thực hiện niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 137 tỷ đồng, giảm gần 74% so với con số thực hiện trong niên độ 2022 – 2023. Công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 50% cho niên độ 2023-24.
Đáng chú ý, về kế hoạch phân phối lợi nhuận cho niên độ 2022-2023 vừa qua, SLS dự kiến trình cổ đông tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền cao ngất ngưởng là 100% (tương ứng 1 cổ phiếu nhận 10.000 đồng). Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, doanh nghiệp này đã thực hiện chi trả cổ tức với tỷ lệ 100% bằng tiền cho niên độ 2021-2022.
Đặt kế hoạch sụt giảm do Ban lãnh đạo SLS dự báo trước những khó khăn do thị trường, giá cả nguyên vật liệu, tác động của biến đổi khí hậu làm sụt giảm sản lượng mía. Công ty cho biết, bước sang năm 2023, ngành mía đường tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là biến đổi khí hậu, hiện tượng ElNino diễn ra khá nghiêm trọng khiến tình trạng khô hạn, nắng nóng của tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc khá gay gắt . Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến vùng nguyên liệu mía, nhiều diện tích bị chết hoặc ảnh hưởng do khô hạn nên nguy cơ năng suất, sản lượng vụ tới có khả năng giảm sâu.
Hơn nữa, giá cả vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao làm giảm thu nhập của người trồng mía, vùng nguyên liệu của công ty ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác,...
Nhìn lại niên độ 2022-2023, SLS ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc nhất từ khi đi vào hoạt động. Tính chung cả niên độ 2022-23, doanh thu thuần của Mía đường Sơn La ghi nhận trên 1.676 tỷ đồng và lãi ròng đạt hơn 523 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 93% và 179% so với năm trước. EPS cả năm đạt 53.423 đồng, mức cao nhất trên sàn chứng khoán . Qua 1 năm kinh doanh, SLS đã xuất sắc vượt hơn 54% chỉ tiêu về doanh thu và vượt 595% chỉ tiêu lợi nhuận.
Ngành đường còn rất "sáng cửa"
Dù thận trọng trong kế hoạch niên độ mới song vẫn không thể phủ nhận nhiều thông tin tích cực gần đây giúp không chỉ Mía đường Sơn Lanói riêng mà cả ngành đường nói chung cũng kỳ vọng "bùng nổ".
Mới đây, thông tin Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ tới, bắt đầu từ tháng 10/2023 đã "thổi hơi nóng" vào các doanh nghiệp sản xuất đường tại Việt Nam. Động thái tạm dừng xuất khẩu này của Ấn Độ diễn ra lần đầu tiên sau 7 năm là để đảm bảo nhu cầu nội địa, trong bối cảnh tình trạng thiếu mưa làm giảm năng suất mía.
Trọng tâm chính của New Delhi là đáp ứng nhu cầu đường trong nước và sản xuất ethanol từ mía dư thừa. Trong niên vụ sắp tới, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ không có đủ đường để phân bổ cho hạn ngạch xuất khẩu. Điều này kỳ vọng có tác động tích cực đến giá đường thế giới trong niên vụ 2023-2024.
Hơn nữa, việc lo ngại về nguồn cung khan hiếm đè nặng lên an ninh lương thực toàn cầu khiến giá đường tiếp tục neo ở mức cao nhất 11 năm. Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá đường thô thế giới đạt 25,06 US cent/pound, tăng 25% so với thời điểm đầu năm nay.
Trong một báo cáo gần đây, SSI Research cho rằng giá đường tinh luyện sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg (tăng 12% svck) từ quý 2/2023. Ngoài ra, đơn vị này kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô. SSI kỳ vọng giá đường trong nước tăng sẽ khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng mía.
Các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường.
Ngọc Ly
Nhịp sống thị trường