Trong thông báo mới nhất, Bộ Xây dựng đăng ký bán toàn bộ hơn 13,2 triệu cổ phần đang sở hữu tại Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng (mã SHG) thông qua hình thức đấu giá. Số cổ phiếu này tương ứng tỷ lệ 49,04% vốn SHG.
Buổi đấu giá dự kiến được thực hiện vào 9 giờ sáng ngày 22/12/2023, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Thời gian để các nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền đặt cọc là từ ngày 30/11 đến ngày 15/12/2023.
Mức giá khởi điểm là 10.500 đồng/cp, tương ứng tổng số tiền tối thiểu thu về nếu đấu giá thành công là 139 tỷ đồng. Trong khi đó trên thị trường, cổ phiếu SHG dừng ở mức giá 2.200 đồng/cp, thanh khoản tương đối èo uột và thường xuyên không có giao dịch nhiều phiên liên tiếp. Như vậy, giá khởi điểm mà Bộ Xây dựng đưa ra trong đợt thoái vốn này gấp gần 5 lần thị giá.
Trước đó, Bộ Xây dựng phê duyệt kế hoạch chuyển nhượng vốn Nhà nước tại SHG và hoàn tất phương án chuyển nhượng vốn trước ngày 31/12/2023. Đây không phải lần đầu tiên Bộ Xây Dựng thực hiện thoái vốn tại SHG. Hồi cuối năm 2020, Bộ Xây dựng cũng đã đem lượng cổ phần này ra đấu giá với mức giá khởi điểm bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/cp, trong khi thị giá khi đó chỉ 2.000 đồng. Kết quả, buổi đấu giá đã không thành công.
Kinh doanh thua lỗ suốt gần thập kỷ, vốn chủ sở hữu âm cả nghìn tỷ đồng
Về SHG, doanh nghiệp tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, trực thuộc Bộ Xây dựng. SHG từng tham gia xây dựng hàng loạt công trình lớn ở nhiều tỉnh thành như sân bay Nội Bài (Hà Nội), nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), hay các khu căn hộ chung cư ở Kim Liên, Giảng Võ (Hà Nội)... Doanh nghiệp chính thức IPO gần 7 triệu cổ phần với giá đấu trúng thành công là 22.290 đồng/cổ phần vào năm 2009. Tuy nhiên sau đó tới năm 2016, cổ phiếu SHG lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 7.000 đồng/cp và hiện rơi về vùng 2.200 đồng/cp. Cổ phiếu còn bị hạn chế giao dịch do không tổ chức ĐHCĐ thường niên 2 năm tài chính gần nhất và âm vốn chủ sở hữu.
Thực tế, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trở nên không khả quan trong vài năm gần đây, 9/10 năm trong thập kỷ gần nhất công ty thua lỗ. Hoạt động chính ghi nhận lao dốc, riêng nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần của SHG chỉ đạt gần 4 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ vì không có doanh thu từ hợp đồng xây lắp.
Kết quả, công ty tiếp tục lỗ sau thuế gần 27 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước qua đó nâng mức lỗ lũy kế của SHG tại thời điểm cuối quý 2/2203 lên 1.293 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 987 tỷ đồng, nợ phải trả 1.972 tỷ đồng.
SHG cho biết, công ty không triển khai được dự án đầu tư cũng như không có hợp đồng thi công xây lắp mới nên tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh không có cơ hội để phục hồi cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo công ty, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài trong một thời gian rất ngắn nữa thì Tổng công ty cổ phần phần Sông Hồng chắc chắn sẽ buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty.
Tuệ Giang