Trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại SCB, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB.
Chính phủ vừa gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tổng hợp về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Báo cáo về kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ cho biết đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình cơ quan này xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - nhà băng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022.
Chủ trương cơ cấu lại SCB được đưa ra trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng, đề xuất của chính ngân hàng và Ban kiểm soát đặc biệt SCB. Như vậy, sau gần một năm được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, chủ trương tái cơ cấu SCB đã được cơ quan quản lý "chốt", trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chính phủ cho biết đến nay Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với bốn ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Ngoài ra, đến nay Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt trước đó gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng đang tích cực triển khai phương án cơ cấu lại đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu chủ trương, định hướng cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém để xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Đình Vũ
Nhà đầu tư