Tại báo cáo tài chính quý III/2024 mới công bố, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP - sàn UPCoM) tiếp tục không ghi nhận doanh thu, chỉ phát sinh doanh thu tài chính đạt 10,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận.
Trước đó, Cảng Phước An cũng "trắng" doanh thu liên tiếp từ năm 2017 đến năm 2023. PAP từng nhiều lần giải thích về việc không ghi nhận doanh thu là bởi công ty là doanh nghiệp dự án, hiện đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, do đó chưa có doanh thu từ hoạt động kinh doanh.
Cũng theo giải trình, doanh thu tài chính phát sinh trong kỳ không đến từ các khoản lãi tiền gửi. Đây là khoản hạch toán phát sinh bằng giao dịch ngoại tệ trong quá trình thực hiện mua sắm máy móc trang thiết bị nhập khẩu.
Trong kỳ, Cảng Phước An chỉ phát sinh chi phí quản lý doanh nghiệp gần 630 triệu đồng so với cùng kỳ 1,66 tỷ đồng.
Nhờ doanh thu tài chính đột biến, Cảng Phước An vẫn ghi nhận lãi 9,92 tỷ đồng trong quý III/2024, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ lỗ 1,66 tỷ đồng.
Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2024, Cảng Phước An ghi nhận doanh thu tài chính đạt 15 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận; lợi nhuận sau thuế đạt 6,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ gần 5 tỷ đồng.
Nhờ có lãi trở lại mà tính tới 30/9/2024, Cảng Phước An giảm lỗ luỹ kế còn 7,42 tỷ đồng.
Về quy mô tài sản sản, tính tới 30/9/2024, tổng tài sản của Cảng Phước An tăng tới 51% so với đầu năm, lên 6.692 tỷ đồng. Trong đó, tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 5.912,5 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 600,1 tỷ đồng.
Về phần nguồn vốn, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Cảng Phước An tăng 138,2% so với đầu năm, lên 3.027 tỷ đồng và bằng tới 122% tổng vốn chủ sở hữu.
Điểm đáng lưu ý, trong Báo cáo tài chính quý III của Cảng Phước An, đơn vị này không thuyết minh chi tiết các khoản mục trên Báo cáo tài chính.
Theo giới thiệu trên website, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An là đơn vị được thành lập vào ngày 29/4/2008 để thực hiện việc đầu tư và khai thác Cảng tổng hợp Phước An theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và tỉnh Đồng Nai.
PAP được sáng lập với 2 cổ đông chính đó là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Nai. Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sở hữu 79,54%; về phía tỉnh Đồng Nai: Tổng Công ty Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi) 17,05%; các cổ đông cá nhân 3,41%.
Bằng việc liên tục phát hành riêng lẻ cho nhóm nhà đầu tư bên ngoài, PVN liên tục bị pha loãng tỷ lệ sở hữu và đến hết quý II/2024 chỉ còn sở hữu 17,5% vốn điều lệ tại PAP.
Ngoài PVN, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 ghi nhận, cổ đông lớn nhất của PAP là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn nắm giữ 20,1%, nhóm cổ đông khác sở hữu 62,4% vốn.
Trước khi niêm yết trên sàn UPCoM (ngày 14/7/2021), PAP đã 3 lần tăng vốn từ 440 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Trong lần tăng vốn gần đây nhất, PAP đã tăng vốn từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.
Theo Hà Ly
An ninh tiền tệ