Báo cáo phân tích mới đây của CTCK KBSV cho biết, CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán NT2) và Phú Mỹ 1 là 2 dự án còn thời hạn hợp đồng mua khí trong nước với PVGAS và được ưu tiên phân bổ nguồn khí nội địa giá rẻ, trong khi các dự án còn lại có hợp đồng mua khí hết thời hạn buộc phải sử dụng nguồn khí LNG phối trộn/toàn bộ.
Sản lượng điện của NT2 vì vậy sẽ được ưu tiên huy động nhờ giá thành rẻ hơn so với các nhà máy sử dụng LNG là đầu vào. Và điều này sẽ củng cố khả năng 2 tổ máy này được huy động.
Số liệu từ báo cáo này cho biết, sản lượng điện khí huy động trong 2 tháng 7 và 8 năm 2024 đạt mức thấp nhất kể từ 2022, lần lượt là 1.50 tỷ kWh và 1.44 tỷ kWh, giảm 47% và 12% so với cùng kỳ năm trước.
Sang 2 quý cuối năm 2024, KBSV cho rằng sản lượng huy động của điện khí sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đạt mức sản lượng khiêm tốn khoảng 11-11,5 tỷ kWh (thấp hơn 8-12% so với cùng kỳ).
Pha thời tiết La Nina bước vào chu kỳ hoạt động với xác suất xảy ra cao và kéo dài tới hết 2025 sẽ giúp các nhà máy thủy điện tăng cường phát điện, trực tiếp cạnh tranh với các nguồn điện khác như điện than, điện khí và năng lượng tái tạo.
Về giá thành, điện khí sẽ chịu áp lực cạnh tranh với điện than khi đây cũng là nguồn điện chạy nền đáp ứng ổn định nhu cầu tiêu thụ điện và có giá than rẻ hơn là nhiên liệu đầu vào.
Ngoài ra, trong bối cảnh nguồn cung khí nội địa khan hiếm, việc chuyển sang khí LNG với giá thành cao hơn làm nguyên liệu đầu vào sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các nhà máy điện khí, trong khi các nguồn điện rẻ hơn sẽ được EVN ưu tiên huy động.
So với các nhà máy khí khác, nguồn nhiên liệu đầu vào của NT2 vẫn hoàn toàn từ nội địa, nhờ đó điện sản xuất có giá thành rẻ hơn và giúp NT2 tránh được việc sụt giảm sản lượng của toàn ngành.
Bên cạnh đó, sau thời gian diễn ra đại tu trong năm 2023, các tổ máy của NT2 đều được cải thiện hiệu suất và khả năng vận hành vì thế sẽ được EVN tăng cường huy động.
Theo đó, KBSV dự báo doanh thu của NT2 trong năm 2024 đạt 6.024 tỷ đồng.
Ngọc Điệp
Nhịp sống thị trường