Sáng 29-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội cho phép Vietnam Airlines được gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả nợ với khoản vay 4.000 tỉ đồng của Hãng Hàng không quốc gia, để khắc phục khó khăn trước mắt. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa 5 năm (gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết 135 của Quốc hội).
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines xây dựng chiến lược phát triển toàn diện, sớm hoàn thiện đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không này sớm phục hồi, phát triển bền vững.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đẩy nhanh cơ cấu lại toàn diện Vietnam Airlines, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện cam kết trước Quốc hội về hiệu quả của việc triển khai giải pháp về cho vay tái cấp vốn. Các cơ quan tăng cường kiểm tra, kiểm toán, giám sát để thực hiện giải pháp này bảo đảm đúng quy định.
Trước đó, Vietnam Airlines đã sử dụng gói vay vốn 4.000 tỉ đồng. Đây là giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho Hãng Hàng không quốc gia do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng 8.000 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Đến cuối năm 2022, hãng này thanh toán 220 tỉ đồng lãi vay cho các ngân hàng. Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ ở mức 80.984 tỉ đồng, thu hợp nhất 105.946 tỉ đồng. Đây là các mức cao nhất từ trước đến nay của hãng này. Thời điểm đạt đỉnh doanh thu năm 2019, công ty chỉ ghi nhận nguồn thu khoảng 72.980 tỉ đồng và hợp nhất 99.099 tỉ.
Hãng hàng không quốc gia cũng lên kế hoạch thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất trong năm nay, giúp mang về nguồn thu khoảng 1.700 tỉ đồng. Nhờ thương vụ này và lợi nhuận các công ty con khác cải thiện, hãng đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trên 4.230 tỉ đồng.
Theo Văn Duẩn - Lê Thanh
Người Lao động