Không nói đến các yếu tố cơ bản, hãy lướt qua một số con số thống kê về diễn biến giao dịch trong tháng để xem thực sự thị trường đã diễn biến thế nào trong suốt tháng 7 vừa qua.
Hai chỉ số chính: Tăng điểm
Trong tháng 7, VNIndex đã có 15 phiên tăng với mức tăng 18 điểm (+3,11%) lên 596,1 điểm. HNX-Index có mức tăng thấp hơn: 12 phiên tăng với mức tăng 1,33 điểm (+1,71%) lên 79,26 điểm.
Số mã tăng giá gấp rưỡi số mã giảm trên cả hai sàn
Trong tháng, cả hai sàn có 322 mã tăng giá, 294 mã giảm giá, trong đó:
- Quán quân tăng giá là SD1 của Sông Đà 1 tăng gần 85% lên 6,1 ngàn đồng.
- TH1 của XNK Tổng hợp I giảm mạnh nhất: giảm hơn 44% xuống 18,0 ngàn đồng.
Mức tăng/giảm giá phổ biến là khoảng dưới 10%, cá biệt có những mã tăng trên 40% hoặc giảm trên 20%:
Bluechip tăng mạnh, Penny giảm nhiều, các tân binh chào sàn trong tháng đều tăng giá
Trong số 29 mã Bluechip có vốn hóa trên 5000 tỷ có tới 15 mã tăng giá. Sáng nhất trong nhóm Bluechip tăng giá có tân binh
MWG của Thế giới Di Động, mặc dù mới chào sàn ngày 14/7 với mức giá chào sàn 68 ngàn, nhưng tại ngày 31/7 đã tăng lên 103 ngàn/cp (tương đương mức tăng 26%).
Theo sau trong nhóm này còn có
VIC của Vingroup tăng 10 ngàn (+15,6%). Ngoài ra, một số Bluechip khác như
PVS,
VNM,
PVD, VNM cũng đều có mức tăng trên 10%. Mã Bluechip giảm giá mạnh nhất là SHB của NH Sài Gòn - Hà Nội giảm 0,9 ngàn đồng (-9,3%).
Trong số 489 mã Midcap có vốn hóa trong khoảng từ 50 tỷ đến dưới 5.000 tỷ, đáng chú ý nhất là
PVB của Bọc ống Dầu khí Việt nam tăng 17,7 ngàn đồng (+70,8%),
LGC của Cơ khí - Điện Lữ Gia tăng 14,5 ngàn đồng (+62%), hay
MPC của Thủy sản Minh Phú tăng 20,5 ngàn đồng (+56,16%).
Tân binh SKG của Tàu Cao tốc Superdong - Kiên Giang mới chào sàn ngày 8/7 với giá 29 ngàn đồng nay cũng đã tăng thêm 16,7 ngàn đồng (+57,6%) lên 45,7 ngàn đồng. Mã giảm mạnh nhất là TH1 của XNK Tổng hợp 1 (-44,3%) và gần như không có thanh khoản.
Với 145 mã Penny có vốn hóa dưới 50 tỷ, SD1 của Sông Đà 1 đứng đầu danh sách tăng giá với mức tăng 2,8 ngàn đồng (+84,85%), theo sau là
HPS của Đá Xây dựng Hòa Phát tăng 62,96%. Tuy nhiên, khác với SD1, thanh khoản của HPS rất thấp.
Ngành Dầu khí, Công nghiệp, Tiện ích cộng đồng tăng mạnh; Ngân hàng giảm nhiều
Cơ cấu tăng giá phân bố khá đồng đều giữa các nhóm ngành. Cá biệt chỉ có toàn bộ 5 mã ngành dầu khí (PVD, PVS, PVC, PVB, PVE) đều tăng, hay ngành Công nghiệp và Tiện ích cộng đồng có số mã tăng hoàn toàn lấn át.
Điểm tối lại nằm ở ngành Ngân hàng: Trong số 9 mã ngành Ngân hàng, có tới 5 mã giảm giá và chỉ có 2 mã tăng giá (CTG của NH Công Thương tăng nhẹ 1,38%, NVB của NH Quốc Dân tăng 3%).
Thanh khoản tương đối cao và đều
Thanh khoản thị trường trong tháng 7 khá tốt, đặt biệt là vào giai đoạn giữa tháng khi toàn sàn HOSE có 2 phiên khớp lệnh hơn 2000 tỷ, còn đâu sàn sàn quanh khoảng 1300-1600 tỷ. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình tháng của HOSE đạt hơn 97 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch trung bình hơn 1500 tỷ đồng/phiên.
Tuy nhiên thanh khoản bên sàn HNX lại khá khiêm tốn: Khối lượng giao dịch trung bình tháng của HNX đạt hơn 45,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch trung bình khoảng hơn 529 tỷ đồng/phiên.
Vậy hóa ra là TTCK vẫn tốt
Qua một vài con số thống kê nho nhỏ trên, ta có thể thấy tháng 7 hóa ra lại là một tháng tốt đối với giao dịch trên TTCK: Các mã thực sự đã tăng và tăng đều, mặc dù đâu đó vẫn còn nhiều điểm tối. Thanh khoản của thị trường ở mức khá cao chứng tỏ nhà đầu tư đã chịu khó xuống tiền. Các Bluechip vẫn là trụ đỡ chính cho cả hai chỉ số, trong khi các mã đầu cơ có xu hướng phân hóa rất mạnh.
Đức Nguyễn