Theo báo cáo mới đây về CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của VPBankS, CTCK kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát sẽ tăng trưởng 21%, 10% và 14% so với cùng kỳ trong lần lượt 2024, 2025 và 2026 nhờ vào khối lượng công việc ngành xây dựng tiếp tục được hỗ trợ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo đó, trong quý 2/2024, sản lượng thép xây dựng tiêu thụ toàn thị trường theo VSA ước tính tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm 2023 nhờ vào nhu cầu tiêu thụ thép nội địa phục hồi mạnh mẽ và sản lượng xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Sản lượng tiêu thụ thép thị trường nội địa trong quý 2/2024 ước tính tăng gần 25% so với cùng kỳ, là mức tăng mạnh nhất kể từ quý 4/2022. VPBankS cho rằng nhu cầu xây dựng dân dựng dần ấm lên theo thị trường bất động sản cùng nhu cầu xây dựng nhà xưởng Khu công nghiệp là 2 động lực chính cho mức tăng trưởng mạnh của thép xây dựng.
Sản lượng thép xây dựng xuất khẩu quý 2/2024 cũng tăng gần 40% so với cùng kỳ, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường xuất khẩu chính trong Đông Nam Á tiếp tục duy trì tăng trưởng.
Trong đó, Hòa Phát đã có mức tăng trưởng sản lượng thép xây dựng tiêu thụ vượt trội so với ngành khi ghi nhận tổng sản lượng thép xây dựng tiêu thụ tăng 62% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng tiêu thụ nội địa và sản lượng xuất khẩu lần lượt tăng 48% và 124% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy mức tăng trưởng vượt trội này một phần được hỗ trợ bởi hiệu ứng nên thấp trong 2023, nhưng VPBankS cho rằng động lực chính vẫn đến từ những yếu tố nội tại của doanh nghiệp bao gồm: Lợi thế tối ưu hóa chi phí từ các khu liên hợp gang thép sử dụng công nghệ lò cao và Thương hiệu lâu đời cùng hệ thống phân phối nội địa rộng, trung bình 23 đại lý cấp 1/tỉnh, thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, VPBankS ước tính thị phần thép xây dựng tiêu thụ nội địa của Hòa Phát vào khoảng 35,9%; tăng 1% so với năm 2023.
Đối với thị trường nội địa, VPBankS kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nội địa của HPG tăng trưởng lần lượt 13%, 10% và 15% so với cùng kỳ trong lần lượt 2024, 2025 và 2026 nhờ vào: Nhu cầu xây dựng tiếp tục tăng đối với phân khúc nhà ở thương mại trong bối cảnh các vướng mắc về thủ tục pháp lý dần được tháo gỡ; Các điều chỉnh trong Luật Nhà ở 2023 giúp lợi nhuận tổng thể dự án NOXH cao hơn và điều kiện triển khai dự án NOXH linh hoạt hơn sẽ thúc đẩy việc triển khai xây dựng NOXH; và Nhu cầu xây nhà xưởng tiếp tục ở mức cao với lượng vốn FDI giải ngân tại Việt Nam tiếp tục tăng.
Còn đối với thị trường xuất khẩu, VPBankS cho rằng nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tại một số thị trường xuất khẩu chính khu vực Châu Á như Malaysia, Thái Lan tiếp tục được duy trì ở mức cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Công trình Malaysia, ngành xây dựng tại Malaysia được dự phóng sẽ tiếp tục cải thiện rõ rệt trong nửa cuối 2024 và 2025 nhờ vào việc phân bổ nguồn ngân sách 180 tỷ RM từ cả khu vực chính phủ và tư nhân cho ngành xây dựng nhằm phát triển các dự án trường học, nhà ở, bệnh viên, hạ tầng, cảng.
Ngành xây dựng tại Thái Lan cũng được kỳ vọng sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu xây dựng dân dụng sau khi Bộ Tài chính Thái Lan gần đây đã công bố các biện pháp kích thích nền kinh tế thông qua lĩnh vực bất động sản.
Theo đó, VPBankS dự phóng sản lượng thép xây dựng xuất khẩu của HPG sẽ tăng trưởng 53%, 10% và 10% so với cùng kỳ trong lần lượt 2024, 2025 và 2026.
VPBankS cũng lưu ý Việt nam hiện vẫn áp dụng mức thuế chống bán phá giá 6,2% với các mặt hàng thép xây dựng từ Trung Quốc cho đến 22/03/2026. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng áp thuế nhập khẩu 15% đối với các sản phẩm trên, làm giảm sức ép cạnh tranh giả với thép Trung Quốc và hỗ trợ sản lượng thép xây dựng tiêu thụ tại thị trường nội địa của các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Ngọc Điệp
Nhịp sống thị trường