Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc sáp nhập cổ phiếu của Công ty cổ phần chứng khoán Sen Vàng (GLS) và CTCP Chứng khoán Châu Á-Thái Bình Dương (APS). Chúng tôi đã có trao đổi với lãnh đạo của APS để hiểu thêm về chủ trương sáp nhập lần này.
Thưa ông, GLS xét về thương hiệu cũng như giá trị doanh nghiệp không sánh được với APS, vậy tỷ lệ hoán đổi giữa 2 cổ phiếu 1:1 liệu có phù hợp không?
APS là Công ty chứng khoán đã niêm yết trên sàn và hiện nay đang giao dịch ở mức giá 6.400 đồng/cổ phiếu, GLS thì chưa niêm yết nên việc so sánh giữa 2 cổ phiếu chỉ mang tính tương đối.
Về phương án sáp nhập, tỷ lệ hoán đổi 2 bên đã bàn bạc rất kĩ lưỡng từ trước và trên cơ sở tối đa hóa lợi ích và đảm bảo quyền lợi của các cổ đông cả hai bên.
Xin ông cho biết cơ hội và thách thức của APS khi GLS sáp nhập?
Trong thời gian đầu sáp nhập, chi phí quản lý và nhân sự chắc chắn sẽ tăng và cổ phiếu của APS trên HNX sẽ bị pha loãng. Nhưng xét về dài hạn Khi GLS sáp nhập vào APS, ngoài vốn chủ sở hữu, tổng tài sản tăng, chúng tôi còn tận dụng được hơn 10.000 khách hàng sẵn có để gia tăng thị phần giao dịch trong thời gian tới cũng như tận dụng được lợi thế hạ tầng công nghệ, phần mềm của GLS: Hiện nay GLS đang sử dụng phần mềm do AFE cung cấp là một trong các phần mềm tốt chứng khoán tốt nhất hiện nay tại Việt Nam. Một lợi ích nữa là APS sẽ gia tăng hệ số An toàn tài chính để đáp ứng yêu cầu sắp tới của UBCK.
Ngoài ra, sau khi sáp nhập thì APS sẽ có cơ hội phát triển thị phần tại thị trường miền Nam nơi tập trung các khách hàng của GLS (chiếm hơn 90%)-một địa bàn mà Apec đang mong muốn mở rộng. Hơn nữa, APS sẽ có thêm các cổ đông lớn có tiềm lực tài chính đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản vốn có những mạng lưới quan hệ hợp tác sâu rộng với các tổ chức trong và ngoài nước, bao gồm: Công ty Cổ phần Xây dựng & Địa ốc Hòa Bình (HBC), Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), Công ty Cổ phần Đồng Tâm Miền Trung (DongTam Corporation), Công ty Cổ phần Ngoại Thương & Phát triển Đầu tư TP.HCM (FDC), Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng (VPH), Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng Số 1 (FICO), Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam (NVN), Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Công ty TNHH Phú Mỹ Thuận (PhuMyThuan Co; Ltd.)
Tại sao APS lại chọn GLS mà không không phải một đối tác nước ngoài hoặc một tổ chức vững mạnh để sáp nhập?
Tôi nghĩ rằng, đối với những công ty cùng ngành nghề thì càng có có lợi thế về kinh doanh. Khi sáp nhập với GLS chúng tôi sẽ có cơ hội có được hơn 10.000 khách hàng của GLS để gia tăng thị phần môi giới giao dịch trong thời gian tới. Bên cạnh đó, APS sẽ có thêm cổ đông là các tổ chức lớn có uy tín trong lĩnh vực tài chính sẽ giúp APS mở rộng đối tượng khách hàng mở tài khoản chứng khoán và mở rộng các dịch vụ tư vấn tài chính khác cho các cổ đông này.
Hiện nay, tại thị trường chứng khoán Việt Nam APS – GLS là vụ sáp nhập thứ hai sau CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) - CTCP Chứng khoán Đại Tây Dương (OSC) vừa thực hiện trong tháng 7 vừa qua. Vậy, ông có cho rằng trong thời gian tới thị trường sẽ chứng kiến nhiều vụ sáp nhập giữa các Công ty Chứng khoán không ?
Xu thế sáp nhập hay hợp nhất là xu thế chung của thị trường không chỉ ở Việt Nam mà còn ở thị trường thế giới. Có 90 Công ty chứng khoán đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng thị phần giao dịch chủ yếu tập trung vào một số ít các Công ty lớn, còn lại miếng bánh nhỏ thì dành cho 85% Công ty còn lại, trong đó nhiều Công ty chứng khoán đang đứng trước nguy cơ phá sản, không có khả năng phát triển hoặc hoạt động cầm chừng và xu thế sáp nhập, hợp nhất là tất yếu để các Công ty có điều kiện mở rộng khách hàng, đối tác, nâng cao khả năng cạnh tranh... nhằm mục đích gia tăng thị phần và đạt được kết quả kinh doanh tốt hơn trong tương lai. Vì vậy, tôi nghĩ trong thời gian tới sẽ còn nhiều Công ty chứng khoán thực hiện việc này.
Để thực hiện thương vụ sáp nhập, việc giao dịch của APS trên sàn có bị ảnh hưởng và gián đoạn gì không, thưa ông? Và có thay đổi nào về đội ngũ lãnh đạo?
Nếu hợp nhất thì cổ phiếu mới bị hủy niêm yết, còn sáp nhập thì không, nên các cổ đông của APS vẫn giao dịch bình thường. Và chúng tôi chỉ phát hành thêm 135 triệu cổ phần để hoán đổi cho các cổ đông của GLS.
Về Đội ngũ lãnh đạo của APS sau hợp nhất không có xáo trộn, chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc vẫn do ông Nguyễn Đỗ Lăng đảm nhiệm. Các vị trí còn lại như thành viên Hội đồng quản trị vẫn được giữ nguyên. Ban lãnh đạo GLS sẽ bổ sung 2 Thành viên HĐQQT và 1 thành viên BKS để cùng APS tham gia điều hành công ty mới. Khi tiếp quản Công ty có vốn điều lệ tăng lên, APS dự định sẽ tuyển Tổng Giám đốc người nước ngoài đã có kinh nghiệm trong ngành tài chính ở các thị trường Châu Á để đáp ứng được quy mô của Công ty.
Theo tôi được biết, 2 tổ chức nước ngoài là Asean Small Cap và Lucerne Enterprise hiện là một trong những cổ đông lớn của Công ty chứng khoán APEC (APS) đồng thời cũng là cổ đông lớn của Công ty Địa ốc Hòa Bình (HBC). Mà HBC chiếm 20% vốn điều lệ của GLS. Vậy, việc sáp nhập GLS vào APS có phải là chủ trương của các cổ đông lớn không thưa ông?
Khi GLS sáp nhập vào APS rõ ràng các cổ đông chung là Asean Small Cap và Lucerne Enterprise sẽ được tối đa hóa lợi nhuận và tôi nghĩ có thể đây là tầm nhìn xa của 2 Quỹ nước ngoài. Nếu vậy, khi đó tôi nghĩ APS sẽ có cơ hội hơn khi được hỗ trợ về quản trị, tư vấn đầu tư và những kinh nghiệm quý báu về thị trường tài chính từ 2 tổ chức lớn này.
Ông nhận định như thế nào về sáp nhập, hợp nhất trong ngành chứng khoán tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?
Sáp nhập, hợp nhất là xu thế tất yếu và tích cực trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên thực trạng hoạt động M&A trong lĩnh vực chứng khoán còn ít: Thị trường CKVN mới chứng kiến 1 vụ hợp nhất và 2 vụ sáp nhập (nếu tính cả APS-GLS).
Về pháp luật: Theo qui định của Nghị định 14/2007/NĐ-CP thời hạn tăng vốn pháp định của công ty chứng khoán lên 300 tỷ đồng là ngày 31/12/2008, nhưng hiện nay có rất nhiều công ty chứmg khoán phải đứng trước sự lựa chọn tăng vốn hay giảm nghiệp vụ kinh doanh nên bài toán sáp nhập và mua bán công ty chứng khoán sẽ trở thành một xu hướng tất yếu.
Giá trị sổ sách chưa đầy phân nửa, GLS được sáp nhập vào APS tỷ lệ 1:1
Phương Chi