FPT được biết là một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông lớn nhất Việt Nam với doanh thu hàng năm hiện đạt khoảng 2 tỷ USD - một con số rất lớn đối với một doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên rất nhiều cổ đông của FPT, đặc biệt là các cổ đông tổ chức nước ngoài lại "kém vui" khi mà 60-70% doanh thu hàng năm của FPT lại đến từ hoạt động phân phối và bán lẻ các sản phẩm điện thoại, công nghệ thông tin của 2 công ty FPT Trading và FPT Retail.
Cơ cấu doanh thu là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để phân ngành doanh nghiệp. Chính vì có tới 2/3 doanh thu đến từ hoạt động thương mại mà nhiều lần FPT đã bị xếp vào nhóm doanh nghiệp "bán buôn, bán lẻ" dù cho lĩnh vực này chỉ đóng góp khoảng 20% lợi nhuận.
Mảng kinh doanh này có doanh thu rất lớn nhưng có biên lợi nhuận rất thấp cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro về triển vọng tăng trưởng. Chính vì vậy dù có phần "tiếc nuối" nhưng ban lãnh đạo FPT cuối cùng cũng đã phải tìm kiếm đối tác để thoái vốn khỏi FPT Trading và FPT Retail.
Ngày 12/9/2017, một ngày trước sinh nhật lần thứ 29 của mình, FPT đã chính thức "chốt" phương án thoái vốn tại FPT Trading xuống 48%. Cách đây không lâu, công ty cũng đã thông qua phương án giảm sở hữu tại FPT Retail xuống 45%.
Việc thoái vốn tại cả 2 công ty dự kiến sẽ hoàn tất ngay trong năm nay. Mặc dù vẫn là cổ đông lớn nhất tại cả FPT Trading và FPT Retail nhưng FPT sẽ không còn là công ty mẹ nắm quyền kiểm soát, do đó sẽ không còn hợp nhất kết quả kinh doanh của 2 công ty này.
Động thái này sẽ dẫn đến việc doanh thu năm 2018 của FPT có thể giảm hơn 50% so với năm 2017. Tuy vậy, doanh thu giảm không phải là tin buồn mà trái lại đây là điều mà rất nhiều cổ đông của FPT đã mong chờ từ lâu.
Bước vào tuổi 30, FPT sẽ từ một công ty có nguồn thu chính từ "bán buôn-bán lẻ" sang một công ty công nghệ thực sự có nguồn thu chủ đạo từ viễn thông, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin. Các chỉ số về hiệu quả kinh doanh cũng sẽ tăng lên đáng kể phản ánh đúng bản chất của hoạt động kinh doanh dịch vụ công nghệ hơn.
Cổ phiếu FPT đã tăng khá mạnh khi triển vọng hoàn tất thoái vốn ngày một rõ ràng hơn. Trong vòng 4 tháng qua, cổ phiếu FPT đã tăng 40%, đưa vốn hoá của tập đoàn trở lại mức 1 tỷ USD lần đầu tiên sau hơn 10 năm.
Một khi không còn ghi nhận doanh thu từ FPT Trading và FPT Retail thì 2 mảng đóng góp chính vào doanh thu của FPT sẽ là viễn thông của FPT Telecom và phát triển phần mềm với nòng cốt là FPT Software. Đây cũng là 2 mảng đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận lâu nay của FPT. Các nguồn thu còn lại gồm có Tích hợp hệ thống, Dịch vụ tin học, Nội dung số, Giáo dục – Đầu tư.
Mặc dù không còn ghi nhận doanh thu từ FPT Retail và FPT Trading nhưng FPT vẫn sẽ ghi nhận lợi nhuận từ 2 công ty này tương ứng với tỷ lệ sở hữu.
Kiến Khang