Là một doanh nghiệp đa ngành nghề, các mảng hoạt động chính của FPT được chia thành 4 khối: Khối công nghệ (FPT Software, FPT IS và FPT Services), Khối Viễn thông (FPT Telecom và FPT Online), Khối phân phối – bán lẻ (FPT Trading và FPT Retail), Khối giáo dục & khác (FPT Edu).
“Ngôi sao” của năm 2014
Trong bối cảnh một số mảng kinh doanh gặp khó khăn, phân phối – bán lẻ bất ngờ trở thành khối tăng trưởng mạnh nhất của FPT trong năm 2014 với doanh thu toàn khối đạt 22.730 tỷ đồng, tăng 31% và lợi nhuận trước thuế đạt 589 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2013. Khối này gồm 3 nhóm chính là phân phối điện thoại, phân phối sản phẩm công nghệ thông tin và hệ thống bán lẻ kỹ thuật số.
Tăng trưởng đến từ cả 2 mảng phân phối, bán lẻ nhưng đáng kể nhất là mảng bán lẻ của FPT Retail khi doanh thu tăng tới 78% và lãi 41 tỷ trong khi năm 2013 lỗ 32 tỷ. Chuỗi cửa hàng FPT Shop của FPT Retail hiện đã đứng trong top 3 chuỗi cửa hàng lẻ kỹ thuật lớn nhất cả nước.
Lâu nay, mảng thương mại luôn chiếm từ 60-70% tổng doanh thu hàng năm của FPT. Chính vì điều này mà trước đây FPT từng được HoSE phân ngành vào Nhóm Bán buôn, bán lẻ. Tất nhiên, FPT đã phản đối cách phân loại này và luôn muốn được gọi là công ty công nghệ.
Xét về lợi nhuận, khối công nghệ và viễn thông vẫn đóng góp tới 70-80% tổng lợi nhuận.
Với đà tăng trưởng của mảng bán lẻ, tỷ trọng doanh thu của Khối Phân phối - Bán lẻ đang tăng lên trên tổng nguồn thu của FPT
Bất cập không đơn thuần ở việc phân ngành cho FPT mà câu chuyện đằng sau đó là tính chất rất khác biệt giữa hoạt động kinh doanh thương mại với phần còn lại của FPT.
Đơn cử là hoạt động thương mại có tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Mảng phân phối, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu chỉ là 3% và mảng bán lẻ mới bắt đầu có lãi từ năm 2014 với tỷ suất lợi nhuận là 0,8%. Trong khi đó, tỷ suất của các mảng còn lại đều trên 20%.
Và bất ngờ tại đại hội cổ đông thường niên 2015 diễn ra vào cuối tuần trước, chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã gây bất ngờ khi đề cập đến khả năng bán bớt hoặc tách FPT Trading và FPT Retail ra thành công ty độc lập với phần còn lại của FPT.
Việc này hiện mới dừng ở mức chủ trương và FPT chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai.
Câu chuyện không mới
Việc FPT tính đến việc tách mảng kinh doanh phân phối – bán lẻ có thể một phần đến từ sức ép của các cổ đông lớn nước ngoài. Đây là vấn đề đã từng được đề cập nhiều năm trước.
Trao đổi với chúng tôi khi đó, Phó Tổng giám đốc FPT Nguyễn Thế Phương chia sẻ rằng ở nước ngoài thường không tồn tại các nhà phân phối sản phẩm công nghệ nên các quỹ ngoại ít hiểu được bản chất của lĩnh vực này. Ông Phương khẳng định “cốt lõi của kinh doanh phân phối là quản trị hàng tồn kho và công nợ” và khá tự tin về khả năng kiểm soát rủi ro đối với mảng kinh doanh này.
Thực tế thì trong 2 năm qua mảng phân phối của FPT vẫn kinh doanh tốt và mảng bán lẻ đã tăng trưởng rất nhanh.
Tại ĐHCĐ năm nay, ông Trương Gia Bình cũng nhận định rằng mảng bán lẻ, phân phối hiện vẫn tăng trưởng nhưng về lâu dài thì lĩnh vực này không thể tăng trưởng tốt như các mảng công nghệ, viễn thông – những lĩnh vực mà FPT dành nhiều tâm huyết và kỳ vọng. Nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng 2 chữ số trong các năm tới, việc tách mảng thương mại là cần thiết.
FPT Trading và FPT Retail đang kinh doanh tốt nên việc bán lúc này cũng là cơ hội bán giá cao, thu lợi cho cổ đông.
Giờ đây, nếu mạnh dạn tách mảng thương mại độc lập khỏi các mảng kinh doanh còn lại, nhà đầu tư có thể sẽ có cái nhìn tích cực hơn FPT, dù cho trong ngắn hạn doanh thu chỉ bằng 40% so với trước. Đổi lại FPT sẽ là công ty có phần lớn doanh thu đến từ công nghệ cùng với các chỉ tiêu tài chính tốt hơn và tiềm năng tăng trưởng tốt hơn.
Kết quả kinh doanh của hoạt động phân phối, bán lẻ qua các năm (FPT Retail bắt đầu có doanh thu đáng kể từ năm 2012 và có lãi từ năm 2014)
>> FPT: Năm 2015 đặt kế hoạch 2.850 tỷ đồng LNTT, thu hẹp mảng game online
KAL