- Tại sao FPT lại rút khỏi dự án đầu tư vào EVN Telecom, thưa ông?
- Chúng tôi tiến hành dự án đầu tư vào EVN Telecom theo 4 bước, gồm xin chủ trương cho phép từ Chính phủ, đặt cọc chứng minh năng lực tài chính, tiến hành thẩm định hiện trạng EVN Telecom (due diligence) và thương lượng hợp đồng đầu tư.
Sau khi tiến hành bước 3 (tiến hành thẩm định hiện trạng EVN Telecom), chúng tôi thấy hiệu quả đầu tư vào dự án này không như mong đợi. Và sáng 6/4, Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT đã biểu quyết thông qua Nghị quyết rút khỏi dự án đầu tư vào EVN Telecom.
- Thưa ông, FPT đã đặt cọc vào EVN Telecom bao nhiêu tiền?
- FPT đặt cọc để chứng minh năng lực tài chính của mình khi tham gia đầu tư vào EVN Telecom, số tiền là 708 tỷ đồng.
Nhiều điều kiện trong thỏa thuận ký kết giữa hai bên đã thay đổi căn bản. Chúng tôi không thấy có cơ sở pháp lý nào trong việc không thu hồi được số tiền đặt cọc chứng minh năng lực tài chính.
- FPT từng tuyên bố rất muốn tiến sâu hơn vào lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là di động. Thế nhưng, việc rút khỏi dự án EVN Telecom dường như đang phát đi thông điệp ngược lại?
- Khi tiến hành đầu tư vào EVN Telecom, chúng tôi mong muốn bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh viễn thông di động mà FPT đang thiếu. Rút lui khỏi EVN Telecom, chúng tôi phải tiếp tục tìm kiếm cơ hội khác để tham gia vào thị trường viễn thông di động trên cả hai phương diện: Mua bán sáp nhập những doanh nghiệp viễn thông gặp khó khăn hoặc xin cấp phép xây dựng mạng di động thế hệ tiếp tiếp.
- Giá cổ phiếu FPT tăng trần liên tục sau khi có tin tập đoàn rút khỏi dự án EVN Telecom. Ông lý giải hiện tượng này thế nào?
- Việc thẩm định đầu tư vào EVN Telecom đã diễn ra 6 tháng, lâu hơn nhiều so với những dự án tương tự. Trong thời gian qua, cổ phiếu FPT có nhiều biến động, lúc lên, lúc xuống. Chúng tôi tin là các nhà đầu tư luôn nhanh nhạy, có cái nhìn chính xác và diễn biến thị trường chính là thước đo sức khỏe doanh nghiệp.
Hội đồng quản trị FPT hôm nay thông qua nghị quyết rút khỏi EVN Telecom và cho biết Ban điều hành của FPT sẽ tiến hành sớm các thủ tục cần thiết để rút khỏi dự án này. Theo phương án cổ phần hóa EVN Telecom do Thủ tướng phê duyệt, Tập đoàn Điện lực VN vẫn nắm giữ cổ phần chi phối với 50,6%, Số cổ phần bán cho người lao động trong công ty là 0,4%. Còn lại 49% cổ phần được bán cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần FPT và Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom).
Theo
Hồng Anh
VnExpress