Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một khoảng thời gian đầy căng thẳng khi chỉ số VN-Index biến động rất mạnh, giảm gần 17% từ mức đỉnh 1.207 điểm đạt được ngày 10/4. Thế nhưng, nhà đầu tư Việt Nam cũng không phải chịu cảnh "hứng đòn một mình" khi các quỹ đầu tư ngoại, thậm chí tên tuổi lớn như Dragon Capital cũng rơi vào cảnh tương tự.
Bay gần hết thành quả từ đầu năm chỉ trong 1 tháng
Theo báo cáo mới nhất ngày 10/5 của các quỹ thuộc quản lý của Dragon Capital (DC), lợi nhuận tính từ đầu năm đều có sự biến động mạnh trong vòng 1 tháng qua.
Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất thuộc quản lý của DC có giá trị tài sản ròng 1,65 tỷ USD, thông báo lợi nhuận chỉ đạt 5,95% tính từ đầu năm (tại ngày 10/5), thấp hơn rất nhiều so với con số 19% vào ngày 5/4, tức là trong vòng 1 tháng, quỹ VEIL mất gần 13% lợi nhuận.
Nguyên nhân bởi VEIL phân bổ đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa lớn (Bluechips) và các cổ phiếu đầu ngành và nhìn chung các cổ phiếu này đều giảm mạnh trong thời gian vừa qua.
Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL
ACB, MBB, MWG là 3 cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục của VEIL. Trong đà giảm chung của nhóm cổ phiếu ngân hàng, ACB và MBB cũng không thể tránh được điều tương tự khi lần lượt giảm 14,9% và 17,1% trong hơn 1 tháng qua. Cổ phiếu MWG của CTCP Thế giới Di động tích cực hơn khi tăng 5,5% trong tháng qua, tuy nhiên, MWG đã giảm tới 21% tính từ đầu năm tới đây, được xem là cổ phiếu kém hiệu quả nhất trong danh mục của VEIL.
Các cổ phiếu còn lại mang tính thị trường cũng giảm rất mạnh như KDH (giảm 10,9%), VNM (giảm 14,2%), GAS (giảm 7,6%), HPG (giảm 11,2%), FPT (giảm 6,1%).
Biến động hiệu quả lợi nhuận quỹ VEIL và chỉ số VN-index
Quỹ Vietnam Equity Fund (VEF), một quỹ khác thuộc quản lý của DC có giá trị tài sản ròng hơn 100 triệu USD cũng công bố sự sụt giảm lợi nhuận trong 1 tháng qua. Cụ thể, VEL mất 9,92% lợi nhuận, khiến lợi nhuận từ đầu năm 2018 "bốc hơi" chỉ còn 2,36%.
Năm trong số 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục VEF đều giảm mạnh, bao gồm MWG, PNJ, VPB, DHG, VNM.
Biến động hiệu quả lợi nhuận quỹ VEF
Mạnh tay "gom" Sabeco cứu cánh danh mục
Sabeco (SAB) là gương mặt mới được VEIL mua mạnh trong tháng 3 vừa qua thể hiện sự tích cực hơn khi tăng mạnh 9,6% tính đến ngày 16/05 và cao hơn 17,7% so với giá vốn mua vào của VEIL.
Được coi là "ông Vua" ngành bia Việt Nam khi chiếm tới 50% thị phần, thế nhưng kể từ thời điểm thoái vốn nhà nước tại Sabeco, cổ phiếu SAB đã liên tục rơi từ mức ra 339.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 12/2107 xuống còn 214.000 đồng/cổ phiếu vào 15/03.
Điều này đã giúp Dragon Capital thấy được sự hấp dẫn của cổ phiếu SAB khi quyết định chi 150 triệu USD sở hữu thêm 15,3 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch này, nhóm Dragon Capital đã nắm giữ 3,5 triệu cổ phiếu. Như vậy, hiện tại nhóm Dragon Capital đang nắm giữ 18,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,9% vốn cổ phần của Sabeco, trong đó quỹ VEIL nắm giữ gần 11 triệu cổ phiếu, đưa Sabeco trở thành cổ phiếu lớn thứ 4 trong danh mục, chiếm tỷ trọng 5.44%.
SAB đang hồi phục khá tốt những ngày gần đây
Sabeco là cổ phiếu tăng giá tốt nhất trong danh mục VEIL trong thời gian vừa qua khi tăng 17,7% kể từ thời điểm quỹ này mua thêm cổ phiếu đến nay và điều này góp phần quan trọng giúp NAV quỹ chưa âm (tại thời điểm báo cáo).
Là một quỹ đóng nên để có một khoản tiền lớn mua Sabeco, VEIL đã phải bán đi một số khoản đầu tư khác trong danh mục của mình. Điều này cho thấy quỹ này đang kỳ vọng rất lớn vào đà tăng giá trở lại của cổ phiếu Sabeco sau một thời gian dài giảm giá liên tục.
Quách Tĩnh