Tại đây, lãnh đạo hai bên lần đầu có những chia sẻ với cổ đông sau thất bại Long Thành cũng như định hướng thời gian tới. Nếu Hoà Bình tiếp tục theo đuổi mục tiêu “xuất ngoại” miệt mài thử sai gần 10 năm, thì CTD cũng gây bất ngờ khi nối gót với những động thái liên tiếp mở rộng kinh doanh ở thị trường quốc tế.
CTD nối gót HBC
Trước đó, CTD sau khi thay đổi thượng tầng đã tuyên bố mạnh mẽ về 4 trụ cột để trở thành “công ty vĩ đại”, gồm: Công trình dân dụng, dự án Mega (ví dụ Lego), hạ tầng và mảng đầu tư mới (Covestcons, gồm đầu tư bất động sản, M&A).
Thất bại tại cuộc đấu thầu 35.000 tỷ tại sân bay Long Thành, lãnh đạo CTD nói rằng đây cũng là bước đệm để Công ty nâng tiêu chuẩn xây dựng lên tầm quốc tế và đang tiệm cận quốc tế. Theo chia sẻ của Chủ tịch CTD là ông Bolat Duisenov, hiện một khách hàng lớn ở Việt Nam đã vươn ra 3 nước. Công ty kỳ vọng khách hàng này sẽ giao cho Công ty dự án ở nước ngoài.
Tại BCTN 2022, CTD có đề cập về biệt đội về pre-cast đã tiến hành nhiều nghiên cứu, khảo sát ở thị trường nhiều nước. Mới đây, CTD tiếp tục công bố nghị quyết HĐQT về việc đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập công ty con là Coteccons Constructions Inc để thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng: cung cấp dịch vụ xây dựng. Hình thức đầu tư ra nước ngoài là bằng tiền. Nguồn vốn đầu tư là vốn chủ sở hữu, không vốn vay.
Tuy nhiên, CTD từ chối chia sẻ chi tiết bởi "bảo mật thông tin”, và hẹn 4-6 tháng nữa sẽ chia sẻ cụ thể hơn về chiến lược mở rộng ra thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, việc “đem chuông đánh xứ người” không hề dễ, trong tất cả các lĩnh vực. Ở mảng nhà thầu, một “ông lớn” khác là HBC đã thử nghiệm từ năm 2015 tuy nhiên đến nay vẫn chưa có công thức thành công rõ ràng.
Gần 10 năm "xuất ngoại", HBC vẫn chưa có công thức thành công
Chiến lược “xuất ngoại” dù tiềm năng nhưng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cổ đông, nhà đầu tư khi cho rằng tiêu tốn nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Có lúc, HBC cho biết dừng kế hoạch ra nước ngoài để bảo toàn dòng tiền, cũng như tập trung đấu thầu các dự án Mega trong nước (cụ thể là sân bay Long Thành).
Hiện nay, HBC quay lại chiến lược ra nước ngoài trong bối cảnh miếng bánh trong nước đang dần eo hẹp. Đáng chú ý, kế hoạch của HBC có những thay đổi đáng kể. Ví dụ, so với kế hoạch trước đó HBC sẽ đi các nước Canada, Australia, Mỹ, châu Âu; thì nay Công ty đang thiên về thị trường châu Phi.
“HBC đánh giá châu Phi là thị trường tiềm năng, lực lượng lao động còn dồi dào trong khi các nước khác dự ghi nhận tăng trưởng nguồn lực lao động là âm trong những năm tới. So với Úc, Mỹ thì có những đòi hỏi về pháp lý, kỹ thuật có thể nói là thách thức cho HBC đưa công nhân, kỹ sư, cán bộ quản lý sang đó làm việc”, đại diện HBC chia sẻ tại Đại hội mới đây.
Tuy nhiên, không đồng nghĩa HBC từ bỏ bởi ở những thị trường Mỹ, Úc thì lợi nhuận sẽ cao do chênh lệch giá từ 5-8 lần. HBC cũng có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm, tinh hoa của các nước phát triển này.
Dù vậy, hiện Chủ tịch HBC là ông Lê Viết Hải cho biết HBC vẫn đang tái cấu trúc sản phẩm. Dự kiến năm sau mới ghi nhận doanh thu từ thị trường xuất khẩu. Dài hơi đến năm 2028, HBC tham vọng tăng doanh thu 5 lần, lên 2 tỷ USD. Đặc biệt, doanh thu thị trường nước ngoài năm này sẽ chiếm 50%.
Nhìn chung, sự thành công của HBC và “tân binh” CTD trong cuộc chiến nước ngoài vẫn còn là dấu chấm hỏi? Trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, rủi ro trích lập khi đối tác là chủ đầu tư bất động sản cũng gặp khó… bảo toàn nguồn lực là bài toán lớn mà các bên cần chú trọng.
Tri Túc
Nhịp sống thị trường