Sau hơn tiếng đầu phiên ngày 27/8, thị trường biến động quanh vùng 1.280 điểm với hơn 200 cổ phiếu ghi nhận sắc đỏ. Để giữ được thị trường quanh mốc này mặc dù hàng loạt mã giảm là nhờ vào sự tích cực của cổ phiếu họ Vingroup. Cụ thể, sau một tiếng cổ phiếu VHM của Vinhomes tăng hơn 2%, VRE của Vincom Retail tăng 1,7%. Tuy nhiên ấn tượng nhất là VIC của Vingroup đã tăng trần, trắng bên bán.
Đây đã là phiên thứ 2 liên tiếp các cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng "gồng gánh" thị trường". Trong phiên 26/8, VN-Index đã giảm hơn 5 điểm nhưng bộ ba cổ phiếu "họ Vin" vẫn duy trì được sắc xanh.
Từ đà tăng của cổ phiếu, một loạt chứng quyền liên quan đến Vingroup cũng tăng hàng chục phần trăm, có chứng quyền thậm chí đã tăng 80% trong phiên 27/8.
Các cổ phiếu 'họ Vin' ghi nhận sự tăng trưởng trong thời gian gần đây sau "cú chơi lớn" chưa từng có của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Cụ thể, ngày 7/8, Vinhomes công bố sẽ mua 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian dự kiến mua lại là sau khi được UBCK nhà nước chấp thuận và công ty đã công bố thông tin về việc mua lại cổ phiếu theo quy định. Phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Dự kiến, để mua lại hết số cổ phiếu trên Vinhomes sẽ phải chi ra hàng chục nghìn tỷ đồng. Việc mua lại 370 triệu cổ phiếu sẽ khiến cho vốn điều lệ của Vinhomes giảm tương ứng 3.700 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành giảm đi sẽ giúp chỉ số thu nhập trên 1 cổ phiếu (EPS) tăng lên.
Kể từ ngày 7/8 cho đến nay, cổ phiếu VHM đã tăng đến gần 19% lên mức cao nhất 3 tháng. Cổ phiếu VIC cũng đã tăng gần 4% còn VRE tăng 12%. Đà tăng hiện tại đã giúp Vinhomes và Vingroup "chắc chân" trong top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ở một diễn biến khác, mới đây Vingroup đã tiếp tục có những tín hiệu tích cực trong công cuộc tìm quỹ đất để đầu tư bất động sản trong tương lai. Ngày 22/8, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư tỉnh ủy cùng lãnh đạo Hậu Giang đã tiếp và làm việc với đại diện tập đoàn Vingroup đến tiếp cận dự án khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong.
Tại buổi làm việc, tỉnh ủy Hậu Giang đã giới thiệu với Vingroup về những tiềm năng, định hướng của Hậu Giang và chính sách đối với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng giới thiệu sơ lược về dự án khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong, điểm đến du lịch nghỉ dưỡng mới mang tầm quốc tế, nằm bên bờ sông Hậu - một nhánh của dòng Mekong.
Ông Nghiêm Xuân Thành cho rằng dự án nằm ở trung tâm Tây Nam bộ có vị trí thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đánh giá cao Vingroup bởi sự chuyên nghiệp, quan trọng là làm thực và dự án sẽ triển khai nhanh.
Với những quan điểm trong thu hút đầu tư, tỉnh sẽ ưu tiên số một cho dự án này. Đồng thời, tỉnh rất mong muốn Vingroup tiếp tục đồng hành và cùng với Hậu Giang chung sức để nhanh chóng triển khai dự án.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup cho biết tập đoàn quan tâm Dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong do phù hợp định hướng phát triển. Đây cũng là dự án có vị trí thuận lợi về giao thông thủy bộ. Vingroup cũng đề nghị các sở, ngành của tỉnh Hậu Giang làm nhanh, đúng pháp luật nhằm hoàn tất các thủ tục để đến năm 2027 chính thức đầu tư dự án.
Dự án khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong dự kiến có tổng mức đầu tư xây dựng 6,2 tỷ USD trên tổng diện tích khoảng 3.000 ha với dân số dự kiến 300.000 người, phục vụ khách du lịch 10.000 lượt khách/ngày.
Các hạng mục chính của khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong gồm có như khu công viên nước, khu công viên giải trí cảm giác mạnh, khu phố đi bộ ẩm thực và chợ nổi Mekong, khu làng - bảo tàng Mekong, sân khấu thực cảnh Mekong, sân golf 36 lỗ, trung tâm điều dưỡng - dưỡng lão, đại học nghệ thuật, khu nhà vườn – kết hợp vườn cây ăn trái.
Trọng Hiếu
An ninh tiền tệ