Tờ Business Korea dẫn nguồn tin trong ngành chứng khoán và các cơ quan quản lý tài chính cho biết Công ty Chứng khoán Samsung (Samsung Securities) sẽ hợp tác với Caldera Pacific, một quỹ đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân ở Hồng Kông, để mua cổ phần của Dragon Capital.
Theo đó, Chứng khoán Samsung và Caldera Pacific sẽ cùng mua 40% cổ phần của Dragon Capital, trong đó Chứng khoán Samsung nắm 10%.
Thay vì thành lập một công ty con ở Việt Nam, Chứng khoán Samsung mua cổ phần của một công ty quản lý quỹ trong nước. Đây được coi là một hình thức đầu tư nước ngoài phổ biến hiện nay và khoản đầu tư này giúp Samsung bắt kịp các đối thủ cạnh tranh.
“Việc mở một văn phòng hay công ty ở nước ngoài mất nhiều thời gian kể từ khi rót vốn đến khi thu kết quả. Nhưng việc mua cổ phần của một công ty quản lý tài sản trong nước cho phép một doanh nghiệp sở hữu và quản lý một mạng lưới bán hàng và cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả”, một quan chức liên quan đến việc thâu tóm giải thích.
Theo chân các công ty đồng hương
Không giống như những công ty đồng hương như Mirae Asset, Shinhan Financial Group hay Korea Investment, vốn thành lập công ty con tại Việt Nam ngay từ buổi đầu hoạt động, Chứng khoán Samsung không có cầu nối nào với thị trường Việt Nam, ngoại trừ quan hệ chiến lược với Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) lập hồi tháng 3.
Do đó, các chuyên gia nhận định có khả năng Chứng khoán Samsung sẽ còn thâu tóm thêm các công ty khác và khoản đầu tư vào Dragon Capital mới chỉ là sự khởi đầu.
Hiện 5 công ty chứng khoán của Hàn Quốc - Mirae Asset Daewoo, NH Investment, Korea Investment & Securities (KIS), Golden Bridge và Shinhan Financial Investment – có 7 văn phòng và công ty con hoạt động tại Việt Nam.
Trong đó, KIS đã nâng vốn sở hữu lên đến 98,2% tại KIS Việt Nam sau khi thâu tóm Công ty Chứng khoán Gia Quyền. KIS Việt Nam đã nâng thị phần môi giới lên gần 5% từ mức 0,25% trong vòng 5 năm.
Về phần mình, NH Investment Securities, tên cũ là Woori Investment & Securities, gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam bằng việc mở văn phòng tại TP.HCM năm 2007. Năm 2009, công ty này thâu tóm 49% cổ phần của Chứng khoán CBV và đổi tên thành Chứng khoán Woori CBV. Hiện công ty Hàn Quốc đang đàm phán để mua lại 51% cổ phần từ các cổ đông trong nước để nâng tỷ lệ sở hữu lên 100% và các bên đang đàm phán về giá.
Năm ngoái, các công ty chứng khoán Hàn Quốc tại chịu lỗ 4,5 triệu USD từ các hoạt động ở ngoài nước, chủ yếu do tăng chi phí bán hàng và quản lý. Các công ty chứng khoán lớn của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam muốn mở rộng thêm các dịch vụ mới như ngân hàng đầu tư và môi giới.
Thành lập năm 1994, Dragon Capital đang quản lý 2,32 tỷ USD các loại tài sản tính đến 31/7/2017, bao gồm cổ phiếu niêm yết bất động sản, trái phiếu, và công nghệ sạch cho các quỹ đầu tư quốc gia và hưu trí quốc tế, theo thông tin từ website của công ty.
Ngoài ra, Dragon Capital còn là cầu nối để đưa vốn từ Hồng Kông vào Việt Nam.
Nhằm thu hút thêm vốn ngoại vào Việt Nam, tháng 7/2017, Dragon Capital niêm yết Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam, trên sàn giao dịch chính của Sở Giao dịch chứng khoán London.
Theo Minh Tuấn
Bizlive